Mọi người năm mới Tết đến rồi! Mọi người cùng Gạo Phương Nam đón năm mới đầm ấm sum vầy với cách làm bánh chưng truyền thống ngày Tết mềm ngon và thật đơn giản này nhé!
Người Việt có từ “ăn Tết” chẳng sai, bởi một cái Tết trọn vẹn trước hết phải là cái Tết ngon. Từ Bắc vào Nam, miền ngược tới miền xuôi, mỗi miền mỗi món ngon truyền thống: cá nướng gập, thịt trâu gác bếp, nem, canh bóng, nem chua, tré, thịt kho trứng, canh khổ qua, dưa kiệu, dưa cải,...
Nhưng dù bạn đang ở nơi nào, người Việt Nam đón năm mới Tết đến đều không thể thiếu cái bánh chưng hoặc bánh tét trong nhà ngày Tết.
Bánh chưng không đơn thuần là một món ăn. Nhưng từng công đoạn để làm ra được 1 chiếc bánh thật không đơn giản; từ ngâm gạo nếp và đậu xanh, rửa lá dông, cho đến công đoạn gói bánh và cuối cùng là luộc bánh đều cất chứa trong nó linh hồn ngày Tết.
Hôm nay, Gạo Phương Nam xin gửi tới bạn cách làm bánh chưng truyền thống thật mềm dẻo, xanh mướt, nhân thơm, vị bùi béo, quyện ngon trong từng hạt gạo. Và điều quan trong là bánh để trong thời gian dài sẽ không sợ bị mốc, hỏng..
Có thể bạn quan tâm: Cách Làm Thịt Kho Tàu Ngày Tết Thơm Ngon Chuẩn Vị
Nguyên liệu làm bánh chưng
- 1kg Nếp cái hoa vàng hạt tròn dành riêng cho nấu bánh
- Lá Dong hoặc Lá Chuối
- Cải Bó Xôi / Rau Bina / Spinach 70gr
- 500gr Thịt ba rọi nên có nhiều mỡ hơn
- 400gr Đậu xanh cà bóc vỏ
- Hành Lá 2 cọng
- 1 Củ Hành tím 15gr
- 400ml Nước cốt dừa
- Dây lạt
- Khuôn thông minh 15 cm
Cách lựa chọn nguyên liệu để tạo nên chiếc bánh chưng truyền thống
Chọn nguyên liệu là khâu quan trọng hàng đầu khi bạn muốn tự tay gói bánh chưng. Sau khi đã xác định được những nguyên liệu cần thiết, bạn cần nắm được những mẹo sau đây khi chọn lựa nguyên liệu để tạo được hương vị bánh chưng thơm ngon, dẻo bùi và đậm đà nhất.
Lá dong - Lá Chuối
Để có thể gói được một chiếc bánh chưng, nguyên liệu cần chuẩn bị vô cùng đơn giản, trong đó không thể thiếu là lá bánh. Lá để gói bánh có thể là lá dong hoặc lá chuối nhưng gói bánh bằng lá dong sẽ giúp bánh thơm và xanh hơn.
Khi chọn lá dong, nên chọn lựa những lá không quá già cũng không quá non - hay còn gọi là lá dong bánh tẻ, loại lá này giúp việc gói bánh trở nên dễ dàng hơn. Lá quá già sẽ không tạo được mùi thơm cho bánh, lá quá non lại rất dễ bám dính vào bánh, rất bất tiện khi bóc vỏ. Thông thường một chiếc bánh chưng sẽ cần đến 4 lá dong, bạn nên lưu ý mua đủ số lượng lá nhé.
Sợi lạt
Tiếp đến là lạt buộc được chẻ khéo léo từ cây tre bánh tẻ (cây tre không quá non hay quá già), giúp cho việc buộc bánh được dẻo dai và chắc. Sợi lạt chuyên dùng để gói bánh là lạt giang, có độ mềm, mỏng và độ dẻo vừa đủ. Mỗi chiếc bánh cần từ 2-4 sợi lạt để có thể cố định bánh chắc chắn và vuông vức nhất.
Gạo nếp cái hoa vàng
Một trong những nguyên liệu quan trọng nhất là gạo nếp. Gạo nếp làm bánh phải là gạo nếp thơm, hạt tròn đều, chắc mẩy, giúp cho bánh thêm dẻo và mang trọn hương vị đồng quê. Tốt nhất bạn nên sử dụng loại nếp cái hoa vàng (nếp bắc), đặc điểm là có hạt to tròn đều để cốt bánh được dẻo và thơm ngon.
Đậu xanh, thịt lợn và các gia vị cần thiết
Đậu xanh, thịt lợn cũng là những nguyên liệu không thể thiếu. Chọn đậu mới thu hoạch, ruột vàng, bở bùi, hạt tròn và mẩy. Thịt lợn thường được dùng là loại thịt ba chỉ, lí do dùng loại thịt này là bởi khi ăn, bánh sẽ có độ béo vừa phải. Thêm một mẹo để khiến nhân bánh ngon hơn là chọn thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn. Tránh những miếng thịt quá nạc, sẽ khiến nhân bánh bị khô. Thịt quá mỡ khi ăn cũng sẽ rất nhanh ngán.Ngoài ra, bánh chưng còn có thêm một số loại gia vị như muối, hạt tiêu… Tất cả sẽ góp phần tạo nên một món ăn truyền thống đặc biệt và khó quên.
Hướng dẫn chi tiết 4 bước sơ chế nguyên liệu bánh chưng nhanh chóng
Quy trình gói một chiếc bánh chưng đòi hỏi sự cẩn thận và khéo léo. Bạn đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu làm bánh chưng chưa nào? Bây giờ chúng ta sẽ đến với công đoạn sơ chế, tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng. Nếu không biết cách sơ chế hay sơ chế sai cách, dù nguyên liệu có tươi ngon đến mấy cũng không thể cho ra chiếc bánh chuẩn vị.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu nếp cái hoa vàng
Sử dụng nếp cái hoa vàng (nếp Bắc) để làm bánh chưng rất là ngon và mềm; do hạt nếp tròn ngắn, trắng bóng, mẩy căng, vốc lên ngửi thấy hương gạo thơm là nếp ngon.
Lưu ý bạn không nên sử dụng gạo nếp bị mọt hoặc có mùi mốc, nếu không bánh sẽ nhanh hỏng và không giữ được độ thơm ngon.
Thông thường thì tỉ lệ nếp sẽ gấp đôi đậu khi làm bánh chưng. Tuy nhiên, nếu bạn thích ăn phần nào hơn thì có thể tăng thêm phần đó.
Gạo nếp cái hoa vàng vo thật sạch cho tới khi nào nước trong. Bước này bạn nên làm thật kĩ thì bánh mới giữ được lâu hơn.
-
Ngâm gạo nếp
Tiếp theo bạn đổ đầy nước ngâm nếp liên tực từ 6 tiếng đến 10 tiếng, cho tới khi hạt nếp nở thật to. Nếu trời quá nóng bức, thì cách 3 tiếng bạn nên thay nước một lần, để tránh nếp bị chua.
Thời gian ngâm nếp không cố định. Bạn ngâm hẳn 12 tiếng cũng không sao. Ngâm lâu thì bánh nhanh mềm hơn. Tốt nhất bạn nên ngâm nếp và đậu qua đêm.
Đây là cách làm truyền thống, làm ra chiếc bánh ngon, để được lâu nhất.
Ngâm nếp cái cho đến khi nào hạt nở và mềm
-
Xào gạo nếp
Để giảm thời gian ngâm gạo lâu quá mà bạn không có thời gian canh chừng, thì bạn có thể áp dụng cách xào nếp mà không cần ngâm.
Sau khi vo gạo xong, bạn trút gạo nếp lên rổ 30 phút cho nếp cái thật ráo nước, càng ráo càng tốt. Bạn nên cho thêm 1 ít gia vị để hạt nếp thêm đậm đà bao gồm: ½ muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê và trộn đều.
Để tạo màu xanh cho bánh thật đẹp và bắt mắt bạn nên sử dụng thêm 70g cải bó xôi xay cùng 100ml nước và 7 lá dứa xay với 100ml nước, vắt lấy nước.
Gạo nếp bắc lên chảo không dính cùng với 400ml nước cốt dừa và 200ml tinh chất màu xanh để lửa lớn.
Bạn đảo nhẹ nhàng tới khi nước trong chảo sệt lại thì hạ xuống lửa vừa.
Khi nước trong chảo vừa cạn, gạo sền sệt thì bạn tắt bếp. Lúc này hạt nếp hút mọng nước, rất dễ vỡ, chúng mình thao tác nhẹ nhàng thôi nha.
Bước 2: Sơ chế đậu xanh cà không vỏ
Đậu xanh ngon nhất là đậu tiêu. Hạt còn nguyên vỏ xanh, không mọt, ngửi thấy hương thơm là đỗ ngon.
Tuy nhiên, khi dùng đậu tiêu thì phải thêm công đoạn đãi và lược vỏ đậu mất rất nhiều thời gian, nếu bạn muốn nhanh hơn thì bạn mua đậu đã cà vỏ.
Bạn nên vo đậu xanh thật kĩ cho tới khi nước trong. Và ngâm đậu xanh từ 4 tiếng đến 6 tiếng
Sau khi đã ngâm nếp xong, bạn đổ nếp và đậu ra rổ để cho ráo nước như như trong hình.
Để ráo đậu xanh cà khi ngâm
Bước 3: Sơ chế thịt heo
Thông thường nhân bánh chưng gói thịt ba chỉ, phần mỡ dày chắc, tỉ lệ mỡ gấp đôi thịt. Nếu bạn thích ăn nạc hơn có thể phối hợp thêm thịt vai hoặc thịt thăn, thịt đùi cũng được.
Thịt heo bạn rửa sạch và để ráo nước.
Đối với kích thước thịt lợn nhân bánh chưng thường cắt miếng khổ thịt dày.
Nếu bạn không thích ăn da heo, bạn có thể cắt bỏ phần da heo ra. Nếu khẩu thịt có mỡ bạng nhạng thì chúng mình nên lạng bỏ.
Bạn ướp thịt với ½ thìa cà phê muối và 1 thìa cà phê tiêu xay (hoặc hạt tiêu đập) khoảng 30 phút. Nhân bánh chưng nên để thật nhiều tiêu mới thơm và đậm vị hơn.
Gia vị nêm đậu xanh và thịt bạn có thể linh hoạt thay muối bằng hạt nêm, thêm nước mắm, đường, bột ngọt theo ý thích.
Bạn cũng có thể ướp thêm hành lá, hành tím, hành phi vào thịt lợn, trộn hành phi vào đỗ xanh. Nhưng khi sử dùng hành để gói bánh thì sẽ nhanh bị thiu hơn. Một số nơi còn ướp thêm chút thảo quả vào nhân, tạo ra hương vị rất đặc biệt.
Bước 4: Xử lý rửa sạch lá dong, lá chuối
Rửa sạch hai mặt lá dong, dùng khăn khô lau thật sạch và để ráo nước. Dùng dao cẩn thận cắt dọc sống lá, lưu ý không nên cắt quá sâu để tránh làm rách lá, bánh sẽ không được ngon. Nếu muốn bánh chưng có màu tươi và đẹp hơn, bạn có thể giã nhỏ lá riềng, trộn chung với gạo nếp khi nấu, mẹo này sẽ giúp cho bánh có màu xanh mướt từ vỏ cho đến nhân bánh.
Hướng dẫn cách gói bánh chưng bằng lá chuối
Cách gói bánh chưng vuông bằng tay không cần khuôn
-
Bước 1: Gấp lá
Đặt 2 lá dong to vuông góc với nhau, đặt mặt phải (màu xanh đậm) úp xuống dưới. Sau đó, bạn đặt tiếp 2 lá dong vuông góc với nhau nhưng mặt phải hướng lên trên.
-
Bước 2: Thêm gạo, đậu xanh, thịt lợn vào khung
Thêm gạo, đậu xanh, thịt lợn. Cho 1 bát gạo vào giữa phần lá đã xếp rồi lấy một nửa nắm đỗ cho lên trên gạo, ấn nhẹ để phần nhân trũng xuống. Đặt 1 - 2 miếng thịt vào giữa phần đỗ rồi cho nốt nửa phần đỗ còn lại lên miếng thịt.
Đổ 1 bát gạo nếp lên trên phần nhân, dùng tay san ra sao cho gạo phủ kín nhân đỗ và thịt.
-
Bước 3: Gói bánh
Dùng tay gấp phần lá dong bên phải và bên trái thật chắc tay, phần mép lá thừa đem cắt đi hoặc có thể giấu vào bên trong. Bóp 2 bên mép (phần đầu và phần cuối) của bánh chưng rồi gấp lại. Vừa gấp vừa vỗ nhẹ để bánh tạo thành hình vuông.
Sau đó, lấy 2 lạt buộc song song với nhau để giữ cho bánh chặt, lá không bị bung. Tiếp theo, bạn buộc tiếp 2 chiếc lạt vuông góc với 2 lạt trên (phần lạt thừa cuốn vào trong hoặc cài vào cho gọn).
Cuối cùng bạn dùng tay ấn 4 góc của bánh chưng để bánh chặt và vuông vắn.
Cách gói bánh chưng bằng khuôn gỗ
Cần chuẩn bị thêm 1 khuôn gói bánh chưng bằng gỗ.
Xếp lạt thành hình chữ nhật, đặt khuôn bánh lên trên rồi gấp lá dong lại vuông vức, cho vào khuôn. Lưu ý, để bánh có màu đẹp, bạn nên để mặt xanh đậm của lá vào bên trong. Cho khoảng 200 gram gạo nếp vào khuôn, dàn đều. Sau đó lần lượt rải 100 gram đậu xanh, đặt một miếng thịt lên rồi tếp tục rải 100 gram đậu xanh phủ kín thịt. Không nên rải đậu kín hết các cạnh khuôn mà để chừa khoảng 1.5 cm.
Thêm 200 gram gạo nếp lên trên cùng, rải kín phần đậu xanh, ấn nhẹ cho gạo ở mặt bánh và các góc nén xuống. Gập các cạnh lá lại, dùng kéo cắt chỗ lá thừa không cần thiết. Dùng tay trái giữ cho lá không bị bung, tay phải từ từ lấy khuôn ra, đeo vào cổ tay trái. Nhẹ nhàng đổi tay phải sang giữ lá rồi bỏ khuôn ra khỏi tay, kéo hai đầu của các sợi lạt cột lại thật chặt. Cột thêm lạt vào bánh cho chắc chắn và cắt những chỗ lạt dư sao cho bánh trông gọn và đẹp mắt nhất.
Tiến hành nấu bánh chưng và cách bảo quản
Lót đáy nồi bằng một ít lá nhỏ, cuống lá. Bánh xếp từng cặp một, úp vào nhau, chèn cho chắc, đổ ngập nước và bắt đầu luộc chừng 10 đến 14 giờ đồng hồ. Bánh chín, vớt ra, rửa sạch. Xếp bánh lên bàn, dùng tấp ván đặt lên trên, đè thêm một số vật nặng để bánh ráo hết nước, để lâu không bị mốc.
Bánh gói xong được đem luộc trong thời gian khoảng 10-12 tiếng. Bánh sau khi vớt ra khỏi nồi phải để một ngày cho bánh ráo nước và bớt dính, sau đó có thể sử dụng.
Bánh chưng luộc xong giữ được hình dáng vuông vức, thơm mùi lá dong, bánh gói chặt tay, khi bóc ra vẫn có màu xanh mướt, hương vị đậm đà và thơm nhẹ từ muối, hạt tiêu. Phần gạo dẻo thơm, phần nhân đỗ bùi ngậy và nhân thịt có đủ nạc, mỡ ngon mà không ngấy.
Bánh chưng là một món ăn đặc trưng của chúng ta, luôn luôn được sử dụng vào dịp lễ Tết, là một món ăn mang đậm nét đẹp văn văn hóa dân tộc. Dù có đi đâu hay làm gì thì vào mỗi dịp Tết, trong mỗi gia đình Việt Nam cũng không thể thiếu món bánh chưng để cúng ông bà Tổ Tiên. Dù hiện nay có muôn vàn loại bánh ngon nhưng bánh chưng vẫn mãi là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Là một người con Việt Nam mỗi chúng ta nên giữ gìn món bánh cổ truyền ấy!
Để bánh chưng dẻo thơm đúng điệu, bạn cần chọn được loại gạo nếp ngon, có mùi thơm nhẹ, tự nhiên, hạt đều, sáng bóng. Không nên mua gạo nếp bị xát quá kỹ vì loại gạo này đã mất vitamin và chỉ nên mua lượng gạo nếp vừa đủ để làm bánh vì gạo nếp để lâu ngày rất dễ bị ẩm mốc, chất lượng giảm và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra, bạn nên mua gạo ở những cơ sở uy tín và đáng tin cậy vì gạo giả đang được bày bán tràn lan trên thị trường, rất nguy hiểm nếu chúng ta không may ăn phải. Quý khách hàng hãy tin tưởng lựa chọn gạo Phương Nam chúng tôi để có được nguồn gạo nếp chất lượng tạo nên chiếc bánh chưng thơm ngon nhưng vẫn giữ trọn vị truyền thống!
Một số câu hỏi thường gặp
Bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh được không?
Bánh chưng để ngăn đá được bao lâu là câu hỏi nhiều người quan tâm để khi làm bánh chưng dịp Tết. Để bảo quản bánh tét, bánh chưng bên ngoài, bạn lưu ý để bánh ở nơi sáng sủa, khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp, để được tầm 7 - 10 ngày. Còn nếu bạn muốn bảo quản dài ngày thì nên để trong ngăn đá tủ lạnh. Bánh chưng để ngăn đá tủ lạnh được 15 – 20 ngày.
Nguồn: Gạo Phương Nam