Theo dân gian ngày xưa, tháng 7 âm lịch được xem là tháng cô hồn khi cửa ngục mở ra, những vong linh người chết ở cõi âm sẽ trở về dương gian và đi lang thang khắp nơi.
Vào tháng này, mọi người thường truyền tai nhau nên cẩn thận lời ăn tiếng nói, tránh phạm sai lầm, tránh đi về khuya để hạn chế gặp xui xẻo.
Vậy cô hồn thực chất là gì? Vì sao tháng 7 được mọi người ấn định là tháng cô hồn? Nên làm gì hay kiêng kỵ điều gì để tránh những điều không may? Cùng tìm hiểu rõ hơn nhé.
Cô hồn là gì?
Trong quan niệm dân gian, cô hồn là những hồn ma vất vưởng trên dương gian, linh hồn chưa được siêu thoát, mang theo vướng bận nên không thể đi đầu thai. Người ta thường bảo, cô hồn dã quỷ là những vong linh (ma, quỷ) lang thang cô độc, không nơi trú ngụ, không được mai táng và xuất hiện ở bất kỳ đâu.
Trong suy nghĩ của nhiều người, con người được chia thành 2 phần riêng biệt, phần hồn và thể xác. Khi chết, linh hồn sẽ thoát khỏi xác thịt, siêu thoát và đi đầu thai một cuộc đời mới.
Còn nếu linh hồn mang nhiều oán hận với trần gian, vướng bận về điều gì đó, oan trái chưa được giãi bày thì khó có thể siêu thoát, lang bạt khắp nơi trên trần thế. Đặc biệt, nhiều câu chuyện tâm linh truyền miệng nhau, cô hồn phần lớn là những người chết oan, không có gia đình, không được chôn cất tử tế và thường đi loanh quanh ở địa điểm mình chết để tìm người hợp mạng thay thế.
Vì thế, nên cẩn thận khi đi ra đường vào buổi tối hay đến những nơi linh thiêng, tránh nói lời xúc phạm những người đã khuất.
Nguồn gốc ra đời của tháng cô hồn
Từ xa xưa, tháng 7 âm lịch được xem là tháng cô hồn hay là tháng của ma quỷ. Đặc biệt hơn, vào ngày rằm tháng 7 (15/07) là ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do trở về và được gọi tên là ngày "Xá tội vong nhân". Vì thế, rằm tháng 7 được mọi người ấn định là thời gian "âm khí xung thiên"
Nguồn gốc tháng cô hồn phải kể đến ở Trung Quốc, vào ngày 2/7 âm lịch hàng năm, Diêm Vương đã mở cửa giao giữa trần gian và địa ngục để quỷ đói có thể lên dương gian kiếm ăn và ở lại cho đến ngày rằm.
Do đó, tục lệ hàng năm người trần chuẩn bị những mâm cúng cô hồn phải có cháo, gạo, muối... cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu hay làm phiền gia đạo. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, quỷ đói được coi là "anh em tốt" hay "thần cửa sau" với mục đích lấy lòng và đổi lấy những mong muốn trong cuộc sống.
Cứ thế, tại đây, người dân ấn định ngày cúng cô hồn là ngày 14/7 âm lịch hàng năm.
Riêng giải thích dưới góc độ lý học về nguồn gốc tháng cô hồn vì sao là tháng 7 âm lịch hoàn toàn không liên quan đến vong linh hay ma quỷ, thế giới của người đã khuất.
Tháng 7 âm lịch được xem là tháng thứ 9 tính từ tháng 1 do người Việt xưa tính đầu năm vào tháng 11 âm lịch (Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu và Bảy). Ngày này có thiên can là Âm Thuỷ và thiên can Quý đang quản trung cung. Do đó, theo Lý học Việt, tháng này âm khí rất vượng.
Ngoài ra, ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy, tháng 7 âm lịch thường có thời tiết phổ biến là mưa bão, lũ lụt, mưa ngâu... tạo không khí ẩm ướt. Ở mỗi vị trí địa hình khác nhau nên sẽ chịu những tương tác khác nhau của âm khí.
Do tính thể hiện âm khí vượng nên tháng 7 âm được mô tả bằng địa ngục, trong đó "địa" là đất, còn ngục là hình tượng mô tả khí chất dưới đất và tháng cô hồn được dựng lên thành những truyền thuyết liên quan đến "tháng cô hồn" với những câu chuyện ma quỷ từ địa ngục chui lên, hoành hành trên thế gian.
Theo quan niệm của nhà Phật, hoàn toàn không có khái niệm tháng cô hồn trong phong tục của người Việt, và xá tội vong nhân không phải là ngày xấu hay ngày mang đến những điều xui xẻo mà là thời gian ân xá cho những tù nhân cõi âm được siêu sinh an lành. Chính vì vậy, ngày này mang đến một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hoàn toàn không phải là ngày vong hồn bước ra khỏi cánh cửa địa ngục lên trần thế phá phách cuộc sống bình yên.
Còn ở Việt Nam, cúng cô hồn là tín ngưỡng tâm linh truyền thống trong hầu hết người dân nước ta, là hoạt động phổ biến được truyền từ đời này đến đời khác. Bắt nguồn từ quan niệm dân gian, khi chết, linh hồn sẽ được phân chia theo những việc làm trên trần gian, những ai làm nhiều điều tốt sẽ được đầu thai kiếp khác, còn những ai phạm tội hay làm nhiều điều xấu sẽ bị đày làm quỷ đói.
Cứ thế, vào tháng 7 âm lịch hàng năm, người Việt sẽ lựa chọn 1 ngày bất kỳ trong tháng để tổ chức cúng cô hồn, ngày cúng sẽ phụ thuộc vào thời gian của từng gia đình hay theo tục lệ riêng của từng vùng miền.
Hơn hết, trong suy nghĩ của nhiều người, tháng cô hồn hay tháng 7 âm là tháng ma quỷ, mang nhiều âm khí nên hầu như mọi người thường tránh, kiêng cử các việc cưới hỏi, khai trương, mua sắm, đi xa...
Ngoài ra, trong văn hoá tín ngưỡng của người Việt, rằm tháng 7 này còn có một dịp lễ lớn của Đạo Phật, đó là lễ Vu Lan báo Hiếu. Đây là dịp để giáo dục con người biết đền đáp công ơn sinh thành và thể hiện lòng hiếu thảo.
Ngày Vu Lan báo hiếu không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo vô cùng lớn mà còn là ngày truyền thống của hầu hết người dân Việt Nam mang đến một nét văn hoá tinh thần tốt đẹp. Tuần lễ Vu Lan vào tháng 7 âm lịch, chính lễ vào ngày rằm tháng 7.
Tham khảo thêm:
Vu lan báo hiếu là gì? Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu
Lễ Vu Lan - báo hiếu cha mẹ là ngày nào trong năm 2022?
Tháng cô hồn hay dịp lễ Vu Lan không chỉ phổ biến ở Trung Quốc, Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á. Tại Nhật, dịp này được tổ chức vào ngày 7/7 và 15/7 âm lịch. Ở Đài Loan, ngày "xá tội vong nhân" và lễ Vu Lan báo hiếu kéo dài cả tháng nhưng tập trung chính vào ngày rằm.
Thời gian mời vong hồn, cúng tế sẽ diễn ra vào ngày 15 mời họ đến và tiễn họ đi vào ngày 29. Dịp lễ tâm linh này được rất nhiều người coi trọng. Ngoài việc cúng bái, mọi người còn lưu truyền nhau những điều nên làm hay cấm kỵ trong tháng cô hồn để mong cầu những bình an trong tháng đặc biệt này.
Nên để ý điều gì trong tháng cô hồn?
Điều nên làm
- Trong tháng 7, nên dành một ngày để cúng các cô hồn, tốt nhất nên cúng vào mùng 2 hoặc đúng ngày rằm.
- Thăm mộ của người thân trong gia đình bởi vì tháng cô hồn còn được gọi là Tết của người âm
- Theo quan niệm dân gian, khi bày mâm cúng cô hồn, có người giành giật mâm cúng là điều rất tốt, đặc biệt khi chưa làm lễ cúng mà có sẵn người đợi để giật có nghĩa là tín hiệu tốt.
- Hạn chế sát sinh trong tháng này
- Nên cúng xe ô tô (nếu có)
- Ăn chay để tích nhiều phước lành
- Tụng Kinh, có thể tụng những bài như: Chú Đại bi, chuẩn đề, Vu Lan báo hiếu, kinh Địa tạng...
- Ăn nói nhã nhặn, tránh xa các cuộc xung đột
- Đi chùa thắp nhang và cúng kiếng cho gia đình, bản thân
Những điều kiêng kỵ
Với quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", rằm tháng 7 nên tránh những điều sau:
- Tránh treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi ngủ dễ bị chúng xâm nhập quấy phá
- Những người yếu bóng vía tránh đi chơi đêm trong tháng 7 âm lịch, hoặc nên đi về sớm, nếu không sẽ dễ gặp điều không may
- Tránh nhổ lông chân vào tháng cô hồn, dân gian cho rằng "một sợi lông chân sẽ tránh được 3 con quỷ", người có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.
- Tránh tuỳ tiện đốt giấy hay vàng mã trừ dịp cúng ông bà, tổ tiên vì đốt giấy vàng mã sẽ khiến ma quỷ bu đến
- Không ăn vụng đồ cúng vì đó là đồ dành cho vong linh, ma quỷ, nếu ăn khi chưa cúng hay khấn sẽ dễ rước tai hoạ vào mình.
- Không phơi quần áo ngoài trời vào ban đêm vì ma quỷ sẽ thấy, sẽ mượn để lại quỷ khí vào quần áo ấy
- Khi đi đêm ngoài đường tránh gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu
- Tránh đi bơi những lúc vắng người vì ma quỷ sẽ cùng đùa với bạn, nếu không cẩn thận sẽ bị làm trẹo chân
- Không nên hù doạ người khác trong tháng này, vì điều này sẽ khiến người bị hù dễ "hồn bay phách lạc" khiến ma quỷ dễ xâm nhập
- Tránh những nơi trồng cây lâu năm vì gốc cây, dưới tán cây là nơi hội tụ nhiều âm khí.
- Không nên thức quá khuya, đặc biệt khung giờ từ 1 giờ - 3 giờ sáng, dễ bị nhiễm quỷ khí
- Buổi tối hạn chế những góc tường, góc tối
- Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, đặc biệt là tiền lẻ vì đây là những đồng tiền xui rủi, khi nhặt dễ cầm lấy vận xui vào người.
- Khi đi ngang những nơi vắng vẻ, không ngoái cổ nhìn về đằng sau.
- Buổi đêm khi đi chơi hay đi về một mình, khi có người gọi tên, không nên trả lời vì có thể là do ma quỷ trêu chọc.
- Lúc đi ngủ, nếu có đi dép trong nhà, hãy để mũi dép hướng về phía giường
- Không cắm đũa giữa bát cơm, vì việc cắm đũa giữa bát cơm thường dành cho người chết
- Không chụp ảnh vào ban đêm
Tuy nhiên, theo chuyên gia văn hoá học, một số điều cấm kỵ không có căn cứ, số còn lại là lời truyền miệng xuất phát từ những đặc điểm thời tiết của tháng 7.
Cụ thể tháng 7 là tháng mưa nhiều, không thuận tiện cho việc tổ chức cưới hỏi, khởi công. Vì mưa nhiều nên việc bơi lội, phơi đồ làm chúng ta dễ bị nhiễm lạnh, đau ốm. Đồ cúng để ngoài trời nguội khi ăn cũng không tốt cho sức khoẻ.
Còn lại những điều cấm kỵ như không nhổ lông chân, không treo chuông gió đầu giường hay đốt giấy tiền vàng bạc tuỳ tiện là những điều chưa được xác thực.
Trên đây là những thông tin về cô hồn và nguồn gốc của tháng cô hồn rằm tháng 7, những điều kiêng kị trong tháng cô hồn đều thuộc tín ngưỡng dân gian mà không ai có thể kiểm chứng đúng sai. Tuy nhiên, mọi điều chỉ mang tính chất tương đối và tham khảo, chỉ nên vận dụng nếu nó phù hợp với cuộc sống của chính mình, gia đình và cộng đồng.
Nguồn: Gạo Phương Nam
CÔNG TY CỔ PHẦN LƯƠNG THỰC PHƯƠNG NAM
(Giao hàng Tận nơi – nhanh chóng – chuyên nghiệp)
- Quận 3: Kho – Cửa hàng: 453/86 Lê Văn Sỹ, Phường 12, Quận 3, TP.HCM
- Điện thoại (zalo): 0909 34 9988 – 0902 58 1717
- Quận 10: Showroom – Bán lẻ: 644/4/3 Đường Ba Tháng Hai, P.14, Q.10, TP.HCM
- Điện thoại (zalo): 093 110 9395 – 0902 58 1717
- TP. Thủ Đức: Điểm bán hàng: Số 16 Đường 359 (Đỗ Xuân Hợp), KP5, P. Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP. HCM.
- Điện thoại (zalo): 076 3736 999 – 0909 34 9988
- Email: nongsansachphuongnam@gmail.com
- Facebook: https://www.facebook.com/phuongnamfood