Tìm hiểu về các phong tục ngày Tết của Việt Nam

Đặt và giao hàng tận nơi: 0909 34 99 88

Tìm hiểu về các phong tục ngày Tết của Việt Nam
Ngày đăng: 09/10/2023 05:18 PM

    Nguồn gốc Tết Nguyên Đán

    Tết Nguyên Đán là một ngày bắt đầu một năm mới, được tính theo âm lịch.

    Tết Nguyên Đán của dân tộc Việt Nam

    Theo truyền thuyết vào thời Ngũ Đế, vua nước Trung Hay bay giờ tên Chuyên Húc, ông ta gọi tháng giêng là Nguyễn, gọi ngày mùng một là Đán. Còn sách Nhĩ Nhã viết: Nguyên là bắt đầu, Đán là sớm.

    Tết Nguyên Đán có nguồn gốc là vậy

    Theo như phong tục ngày Tết hàng năm, Tết Nguyên Đán đến với mọi nhà không chỉ có ba ngày, từ mùng một đến mùng ba, mà bắt đầu những ngày trước đó 1 một tuần

    Vào dịp tháng chạp âm lịch hàng năm, mọi người bắt đầu xôn xao, nao nức chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Những người đi xa quê bắt đầu các chuyến xe quay về nhà sau một năm làm việc vất vả. Vậy ngày tết này bắt nguồn từ đâu và mang lại ý nghĩa gì trong đời sống tinh thần của dân tộc ta?

    Những phong tục ngày Tết của Việt Nam 

    Phong tục ngày Tết - Tục cúng Ông Táo

    Ngày 23 tháng Chạp là ngày mọi nhà đưa ông Táo về trời, trình tấu Ngọc Hoàng mọi chuyện hung kiết trong gia đình một năm qua

    Theo quan niệm của người Việt xưa, ngày bộ ba Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ vắng mặt, công việc ở trần gian lúc này cũng tạm ngừng, vì mọi người lo việc đón Tết. Hệ thống hành chánh từ triều đình xuống đến các làng xá các con dấu, triện son sẽ không đóng lên giấy tờ, văn bản. gì nữa. Bây giờ mọi việc văn phải ký tên đóng dấu cho đến ngày nghỉ Tết theo thông báo.

    Trong thời gian này (có nơi từ ngày 25 tháng chạp), các đình chùa, đến diện đều ngừng tiếng đánh trống khua chuông cho đến trưa 30 tết. Vì các vị Thánh Thần Tiên Phật, cũng như các vòng linh và ma quỷ đểu về Thiên Đình hay Diêm Phủ, chuẩn bị báo cáo luận công tội, nên không ai có mặt trên chốn trần gian chứng giám cho các lời cầu khẩn

    Theo tục cũ, từ ngày 23 đưa ông Táo về trời, các nho sinh làm lễ tạ trường, thợ săn làm lễ đóng cửa rừng vv. Nhà nào cũng mua cá chép về làm ngựa cho ông Táo cởi về trời. Ngày hôm đó, gia đình nào cũng làm mâm cơm cúng thật thịnh soạn, khấn trước bàn thờ, kể rõ mọi việc trong năm rồi cầu khẩn xin trong năm mới mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió

    Tết ông Công ông Táo

    Trong lễ cúng ông Táo bao giờ cũng có một mũ đàn bà màu vàng để giữa hai mũ đàn ông màu đen hai bên, tượng trưng cho hai ông một bà. Có nơi chỉ đặt một mũ nam, một đôi hia. Mũ đặt trên kệ thờ, dưới mỗi mũ để 100 thỏi vàng nén

    Thực tế, mũ áo cho ông Táo thay đổi theo màu sắc của ngũ hành hàng năm. Màu của ngũ hành là:

    “Kim mũ màu vàng - Mộc mũ màu trắng - Thủy mũ màu xanh - Hỏa mù màu đỏ - Thổ mũ màu đen” (Năm thuộc ngũ hành nào được tính theo Lục Thập Hoa Giáp, như năm Ất Dậu có hành Thủy – Tuyền Trung Thủy; năm Bính Tuất hành Thổ - Ốc Thượng Thổ...)

    Bài vị ở bàn thờ Thổ Công thường ghi như sau:

    “Đông trù tư mệnh, Táo phủ thần quân, Thổ Địa long mạch tôn thần, Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần"

    Khi sửa lễ cúng ông Táo bằng bánh mứt thèo lèo, người ta đốt bài vị cũ thay bài vị mới. Sau khi lễ xong thì hóa vàng, hóa luôn cả áo mũ năm trước và thả một con cá chép còn sống xuống ao, cá sẽ hóa rồng đưa ông Táo cởi lên chầu trời. Đến trưa 30 (hay 29 theo tháng thiếu đủ) mọi người lại bày bánh mứt hoa quả đón ông Táo về nhà.

    Cúng ông Táo (ông Công) là một tục lệ rất lâu đời ở Việt Nam và được lưu truyền thành nhiều câu chuyện khác nhau. Theo một vài điển tích, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong gia đình, còn Táo Quân là vị thần trong bếp gồm Táo Bà và hai Táo Ông.

    Phong tục ngày Tết - Tục dọn mả ngày 25 Tết

    Ngày 25 tháng chạp, mọi người không cúng gia tiên tại nhà mà ngay tại mả người thân. Khi đến mộ phần, sau khi cúng trước mả hoa quả, đồ mã, giấy tiền vàng bạc rồi đốt đi (có ý sửa lễ cho người chết, trước tết có quần áo mới, tiền bạc tiêu xài trong ba ngày tết với láng giềng, là những người nằm chung dãy mộ, nghĩa trang).

    Mọi người mới bắt đầu dọn mả, quét vôi hay sơn phết lại ngôi mả, tấm bia cho mới để người chết đón tết như người trần. Lễ dọn mả ngày 25 tết, còn như lời mời thân nhân về ăn tết cùng gia đình. Đồng thời tỏ lòng hiếu đạo không quên người đã khuất vào dịp tết đến xuân về.

    Tục dọn mả ngày 25 tết

    Phong tục ngày Tết - Tục gửi Tết

    Theo tục khi con cái trong gia đình đã lớn, đã ra ở riêng, tết đến phải quy tụ về nhà Từ đường hay Tổ đường (nơi thờ tự đấng Cửu huyền thất tổ như ông bà, cha mẹ...)  nếu cha mẹ còn sống. 

    Nếu cha mẹ đã chết, người con trưởng đại diện gia đình làm mâm cơm cúng dâng tổ tiên vào trưa ngày 30 tết.

    Bởi vậy, các con thứ hoặc ngành thứ, vào dịp tết có tục gửi lễ tết hoặc góp giỗ đến nhà người anh cả (con trai Tiên, gồm thịt thà (heo, gà, dê nhưng không góp vịt, ngỗng để cúng tết. Theo mê tín dị đoan, người ta cho rằng ăn thịt vịt đầu năm thường gặp điều xui rủi trong năm, ăn vào cuối năm để xả xui), hoa quả, vàng nhang v.v... 

    Ngày nay mọi người thường gửi bằng tiền, nhằm giúp gia đình người anh cả có điều kiện soạn mâm cơm cúng giỗ ba ngày tết được chu đáo đầy đủ hơn. Ý nghĩa của "gửi tết như một nhiệm vụ phải có của những người con trong gia đình, nhớ đến ông bà cha mẹ đã quá vãng.

    Tục gửi Tết

    Thông lệ từ sau ngày đưa ông Táo về trời, các gia đình bắt đầu lo việc “gửi tết” đến nhà Từ đường hay Tổ đường trong họ tộc của mình

    Từ ngày này nhà cửa được sơn phết cho mới, có nơi dán trước cửa nhà chữ Phước, hay bốn chữ “Thần Trà Uất Lũy” do tích truyện, dưới gốc cây đào trên núi Đô Sóc có hai ông thần tên Thần Trà và Uất Lũy, cai quản đàn quỷ.  Nếu có con quỷ nào đi hại người thì hai ông sẽ xé xác chúng ăn thịt. Nên với bốn chữ trên nhằm đe dọa bọn quỷ ma sợ tên hai ông thần mà tránh đi.

    Phong tục ngày Tết - Tục trồng cây nêu 

    Nêu là một cây tre có cả ngọn cắm trước sân nhà. Trên ngọn là túm lá dừa, hay lá lông gà, lá thiên tuế, xương rồng, hoặc những chiếc bánh, những con cá bằng đất nung cùng một tán tròn bằng tre, phía dưới dán giấy đỏ. Dưới cây nêu, vôi bột được rắc theo hình cung tên, mũi tên hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ.

    Tục này được gắn với một câu chuyện, kể về cuộc tranh giành đất đai giữa người và ma quỷ. Nhờ có chiếc áo cà sa của Phật mà người đã thắng ác quỷ.

    Tục trồng cây nêu

    Khi bọn quỷ ma lộng hành khắp nơi làm dân tình ta thán, Đức Phật Như Lai mới cho dân chúng chiếc áo cà sa để treo trên ngọn cây tre trước nhà; áo tỏa ánh hào quang đến đâu quỷ phải lui đến đó. Cuối cùng ma quỷ phải chạy ra biển Đông để trốn, vì nơi đâu chúng cũng thấy ánh hào quang của Phật Tổ chiếu rọi. Nhưng bọn chúng còn nuối tiếc vùng đất phì nhiêu màu mở, nên vẫn muốn quay về.  

    Bởi vậy để dọa lũ ma quỷ người ta trồng cây nêu trước sân nhà vào năm mới có ý nghĩa là vậy. Nhưng nay tục dựng cây nêu ngày tết chỉ còn ở những vùng quê, hay nơi chùa chiền đình miếu mà thôi.

    Phong tục ngày Tết - Tục đón ông bà 

    Vì sao có tục đón ông bà? Vì từ ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, trong ngày này ông bà cha mẹ đã khuất núi cũng phải về chầu Diêm phủ để nghe Diêm vương phán xét việc có được đầu thai, ai được phong thần v.v... Cho nên từ 25 tháng chạp đến ngày cuối năm (trước khi cúng đón ông bà, cha mẹ), mọi người đi đến nghĩa trang thăm mộ, trước thăm viếng sau sửa sang lại ngôi mộ cho thật sạch sẽ để đón ông bà về cùng ăn tết.

    Trong ngày 30 tết, các gia đình tổ chức mâm cơm cúng giữa trưa, trước để đón ông Táo sau đón ông bà cha mẹ về ăn tết cùng gia đình trong 3 ngày tết (đến khi hạ nêu thì đưa tiễn ông bà). Tục này hiện nay rất phổ biến, không loại trừ người bên đạo Thiên chúa, vì đây là sự thành kính, hiếu thảo của con cái đối với tổ tiên

    Tục đón ông bà về ăn Tết

    Buổi cơm cúng đón ông bà, tất cả mọi thành viên sẽ không khí vui vẻ như đã vào tết, vì mọi người trong gia đình đều tề tựu, nếu cúng tại Tổ đường, Từ trong họ tộc có mặt đồng đủ

    Phong tục ngày Tết - Tục cúng giao thừa

    Trong cuốn "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính có viết về Lễ cúng giao thừa.

    -"Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc trần gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế đêm giao thừa là để tiễn ông cũ và đón ông mới"

    Đó là ý nghĩa của việc cúng giao thừa ngay lúc trừ tịch (lúc 0 giờ ngày mới, tháng mới, năm mới), nhiều gia đình tổ chức rất long trọng, các đình chùa, miếu mạo cũng chuẩn bị thật trang nghiêm nhằm tống cựu nghinh tân

    Khi cúng giao thừa, bàn thờ được lập giữa trời chứ không phải trong nhà, những nhà có bàn thiên thì cúng ngay nơi này. Có nơi cúng hoa quả ngày tết, có nơi cúng mặn bằng một con gà luộc chín (ngày xưa, lễ vật cúng giao thừa thường gồm một đầu heo hoặc một con gà), dưa hấu, bánh chưng xanh, bánh kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu và giấy tiền vàng bạc, đôi khi có thêm áo mũ của vị hành khiển của năm mới

    Tục cúng giao thừa

    Hoa quả ngày tết (đồng thời khi cúng lễ trong năm) nhiều người cúng mâm ngũ quả, khớp với câu khấn xin “Cầu vừa đủ xài, sung túc, thơm tho” (Cầu là trái mảng cầu xiêm hay mảng cầu ta, còn gọi là trái na - Vừa tức trái dừa đọc trại ra, Đủ trái đu đủ, Xài tức trái soài đọc trại ra và Sung túc tức trái sung, hay Thơm tho tức trái thơm, còn gọi trái dứa). Còn bông hoa thường là bông vạn thọ hay những bông có màu vàng (bông cúc), màu đỏ (bông lay-ơn, bông đồng tiền) ...

    Đúng nửa đêm, các nơi đánh chuông đánh trống, còn nơi gia đình, chủ nhà thắp 3 nén nhang (có người dùng 3 cây nhang đại, cháy cả ngày chưa tàn) khấn vái trời đất, khấn vái vị đương niên hành khiển mới, xin gia đình được một năm mới đầy may mắn và qua đi vận rủi trong năm

    Theo quan niệm dân gian, mỗi năm có một ông hành khiển, mang tên một trong 12 con giáp (theo đúng năm được gọi tên), người xưa gọi là Thập nhị hành khiển vương hiệu. Vị thần cai quản trong năm được gọi là đương niên chi thần. Mỗi chi thần này còn có một phán quan giúp việc (Vị thần hành khiển lo việc thi hành mệnh lệnh từ trên thượng giới, trình tấu Ngọc Hoàng những việc điều hành, còn vị phán quan lo ghi chép công tội mọi gia đình, mọi địa phương v.v.. )

    Trước khi cúng giao thừa, phải thắp nhang trước ở các bàn thờ Tôn giáo (nếu có), đến bàn thờ Ông Địa (tức Thổ công) bẩm báo việc đón tết và xin Thần Hoàng, Thổ Địa cho người thân đã khuất được vào nhà ăn tết cùng gia đình. Ngoài bàn thờ ông Địa, còn thắp nhang bàn thờ ông Táo (nếu có) sau mới đến bàn thờ cúng gia tiên

    Vào buổi sáng ngày mùng một, gia đình lại có mâm cơm dọn lên cúng trước bàn thờ gia tiên, cúng các trang thờ trong nhà rồi mới bắt đầu xuất hành đầu năm

    Phong tục ngày Tết - Tục hái lộc và xông đất

    Sau giao thừa, người Việt thường "du xuân” đầu năm, hay còn gọi là xuất hành cầu may mắn. Vào giờ sau giao thừa mọi người thường đến các đền, chùa làm lễ. Khi về họ ngắt một cành hoa hoặc một nhánh cây tươi tốt, để mong trong năm mới tươi tốt như cành cây, cành lá có thêm tiền bạc, đông con nhiều cháu như các nhánh lá của nó. Về nhà, cành lộc thường được đem trưng tại gian nhà chính và gìn giữ trọn ba ngày tết mới bỏ, vì tin rằng việc hái lộc là để lấy may mắn cho toàn gia đình và cá nhân.

    Tục hái lộc và xông đất

    Sau giao thừa, ai là người bước chân vào đất hoặc nhà người khác đầu tiên, được cho là người đến xông đất. Theo quan niệm, người đến xông đất có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh của gia chủ trong năm mới. Nếu người xông đất tốt, thì mọi việc trong năm sẽ thuận buồm xuôi gió, ngược lại sẽ gặp nhiều rủi ro

    "Xấu" và "tốt" ở đây có nghĩa là hợp duyên hợp vía, hợp tuổi với gia chủ hay không. Vì vậy người ta cố tránh đến nhà nhau vào sáng sớm ngày mùng một, còn ai được gia chủ có nhã ý mời đến xông đất thì khi đến cũng phải thận trọng. Trước hết, trước khi bước vào đất đai nhà cửa của gia chủ, người xông đất phải cười nói vui vẻ, vồn vã với gia chủ, lì xì cho con cái họ thật may mắn, sau đó mới chúc tết lẫn nhau...

    Phong tục ngày Tết - Tục hứng nước

    Ở nông thôn (và có thể người ở trong thành phố) có quan niệm, đầu năm có người gánh nước đến nhà có nghĩa tiền sẽ vào nhà như nước. Bởi vậy, những người gánh nước thuê đầu năm được gia chủ đón tiếp rất niềm nở, được trả tiền gấp mấy lần ngày thường

    Còn nơi thành phố, đa số gia đình đều có nước thủy cục, việc thuê người gánh nước không còn ai phục vụ. Vì thế vào nửa đêm giao thừa, các gia đình mở nước cho chảy tràn vào hồ chứa, xem như tiền vào nhà như nước

    Tục hứng nước vào ngày Tết

    Phong tục ngày Tết - Tục mừng tuổi

    Năm mới mọi người lớn thêm một tuổi, người lớn có tục lì xì mừng tuổi cho người nhỏ tuổi, cùng các con cháu.  Như lời nhắn nhủ, tiền lì xì sẽ sinh sôi nảy nở trong năm, hầu vun đắp tương lai

    Tiền lì xì còn gọi là tiền "mở hàng lấy may", theo tục người Hoa, các thương gia thường cho khách hàng mối bao lì xì đỏ trong đựng một tờ bạc mới, dù người đó có mua hàng hay không, họ cho đấy là tiền mở hàng (còn gọi là phát tài), phát ra càng nhiều thì trong năm sẽ càng phát đạt, trong năm có nhiều khách hàng đến mua bán

    Mừng tuổi ngày Tết

    Phong tục ngày Tết - Tục hoá vàng 

    Trong ba ngày tết, thông thường vào chiều ngày mùng ba, nhà nhà có tục hóa vàng tiễn ông bà, nhiều gia đình cũng mời bà con trong họ tộc đến dự lễ.
    Lễ hóa vàng như đã nói, tiễn đưa ông bà cha mẹ về lại Tổ đường, Từ đường hay chùa chiền mà họ đã gửi hương linh. Sau còn có ý nghĩa khác, mời họ hàng và thân hữu đến phá mồi hay phá cỗ tức dùng cho hết những món ăn ngày tết đã mua sắm v.v...

    Lễ hóa vàng là đốt hết các loại giấy tiền vàng bạc trên bàn thờ, khi đã đốt hết người ta đổ vào đống tro những chén rượu cúng. Tục lệ cho rằng, có như vậy ở cõi âm các ông bà cha mẹ mới có tiền tiêu xài trong năm mới. 

    Tục hoá vàng ngày Tết

     Có nơi (nhiều vùng nông thôn) vẫn có tục mua 2 cây mía, dùng trong việc thờ cúng tổ tiên trong 3 ngày tết, trong ngày hóa vàng họ hơ mía trên đống tàn còn đang rực đỏ, có ý chuyển cho tổ tiên có cái gồng gánh quải tiền về, và cũng là khí giới chống bọn cướp vàng nơi cõi âm

    Phong tục ngày Tết - Tục xem chân gà mùng 3

    Trong ngày hóa vàng, ngoài mâm cỗ cúng trong đó luôn có con gà luộc. Vì thế có tục xem chân gà vào mùng ba. Người nào muốn xem chân gà, phải chính người đó tự luộc lấy gà

    Gà cúng mùng ba là gà ra mắt, làm kỹ không để tróc da, luộc chín vừa phải không cho nhừ. Điểm chính là phải cắt rời cặp giò gà ra hẳn thân, khi vừa chín tới thì vớt đừng để chân bị nứt gân không coi được

    Khi coi chân gà, người ta lấy màu sắc của ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ để xem, tức xem khí sắc của màu da khi chân gà đã nguội. 5 màu ngũ hành là: Kim màu vàng, Mộc màu trắng, Thủy màu xanh, Hỏa màu đỏ, Thổ màu đen

    Chân trái của đàn ông, chân phải của đàn bà. Vợ chồng coi chung một cặp để đoán điềm hung kiết mà tương trợ lẫn nhau trong năm

    Tục xem chân gà ngày Tết

    Chân có màu đỏ tươi nhuận nỏn nà là tốt, tím thẩm hay bầm, da thô là xấu. Màu trắng toát là sẽ có tang chế hoặc đau ốm, trắng xanh bị trộm cướp viếng; trắng hơi hường lợt da ướt át là tốt đẹp về tình cảm, giao dịch. Màu vàng óng ả tươi tắn như xối mỡ là làm ăn thành đạt, buôn quan trường hạnh thông, bất cứ điều gì cũng sinh lợi sinh may. Màu xanh hao tài tốn của, đau ốm bệnh hoạn triền miên, có khi bị trộm cướp vào nhà. Cuối cùng chân gà có màu đen thẩm là hoàn toàn xấu

    Nói tóm lại ba màu vàng, trắng, đỏ là tốt đẹp nhưng màu đỏ không phải đỏ sậm, đỏ bầm và các gần gà đều dò coi chừng khí sắc bị phân hóa là không tốt lắm, như về thì lại xấu vì đây là màu hãm tài

    Ngoài màu sắc đã kể còn phải coi về hình cốt của chân gà. Hình cốt (xương chân gà) là sườn nhà, còn màu sắc là mái nhà và những bức vách tường. Nếu sườn nhà không vững, thì căn nhà sẽ xiêu vẹo

    Hình cốt quý nhất là bốn móng chụm lại đều giữa lòng bàn chân thịt dầy tròn, đấy là thế “no cơm ấm áo” tức trong năm làm ăn phát đạt. Bốn chân mà chum không đều, ngón ngắn nhất chĩa ngay vào ngón dài nhất, hai ngón còn lại “tả phù hữu bậc” đều nghiêng ra đỡ ngón giữa thật khít không có khe hở gọi là “đỡ cái” là thể làm ăn thành công nhờ người ngoài (quý nhân) giúp đỡ

    Trường hợp ngón chân ngắn nghiêng vào kẻ hở của ngón chân dài và hai ngón tả phù hữu bậc cong lơ lững hở hang không đỡ được ngón dài, có nghĩa cả ba ngón rời rạc thì thật tai hại, làm cho lắm cũng không đủ ăn, đã vậy còn bị khẩu thiệt có tranh tụng thị phi

    Có thể bạn quan tâm
    » Gợi ý những món quà Tết gửi đến gia đình, người thân, bạn bè
    » Tìm hiểu về bộ sản phẩm gạo ST25 - món quà Tết thiết thực cho Tết Giáp Thìn 2024 
    » Cách làm thịt kho tàu ngon cho ngày Tết Nguyên Đán 

    CÔNG TY CỔ PHẦN LƯƠNG THỰC PHƯƠNG NAM 

    Công ty cổ phần lương thực Phương Nam

    (Giao hàng Tận nơi – nhanh chóng – chuyên nghiệp)

    Quận 3:  Kho – Cửa hàng:  453/86 Lê Văn Sỹ, Phường 12, Quận 3, TP.HCM (Hướng dẫn đường đi: https://maps.app.goo.gl/G2Md3VCV5raHxw7n9)

    Quận 10: Showroom – Bán lẻ:  644/4/3 Đường Ba Tháng Hai, P.14, Q.10, TP.HCM (Hướng dẫn đường đi: https://maps.app.goo.gl/4wQXPiTFPki3E1Qu7)

    TP. Thủ Đức: Điểm bán hàng:  Số 16 Đường 359 (Đỗ Xuân Hợp), KP5, P. Phước Long B, TP. Thủ Đức (Q9 cũ), TP. HCM (Hướng dẫn đường đi: https://maps.app.goo.gl/HuBUJYhnfKieeyqY8 ) 

    Email: nongsansachphuongnam@gmail.com

    Facebook: https://www.facebook.com/phuongnamfood

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    0
    Zalo
    Hotline