Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng mùng 10 tháng 3

Đặt và giao hàng tận nơi: 0909 34 99 88

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng mùng 10 tháng 3
Ngày đăng: 30/03/2023 02:13 PM

    "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng Mười tháng Ba. Khắp miền truyền khắp câu ca. Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. - Câu ca dao đậm đà truyền thống dân tộc Việt Nam như mang theo âm vang của lịch sử khơi dậy tinh thần dân tộc. Hàng ngàn năm nay, đền Hùng - nơi cội nguồn của đất nước Đại Việt đã hằn sâu trong tâm trí của người dân nước ta, thể hiện tấm lòng thành kính đối với nền lịch sử hào hùng.

    Ngày giỗ tổ Hùng Vương là gì?

    Ngày giỗ tổ Hùng Vương hay còn gọi là lễ hội Đền Hùng (Quốc giỗ) là một ngày lễ lớn của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của người Việt nhằm tưởng nhớ đến công lao dựng và xây nước của vua Hùng ngày xưa.

    Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm và tôn cúng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn được Bộ Văn Hoá, thể thao và du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể.

    Giỗ tổ Hùng Vương

    Tại sao ngày giỗ tổ Hùng Vương lại vào ngày 10/03?

    Bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian của Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra 100 người con. Trong số 50 người con theo Âu Cơ lên núi thì người con trai trưởng đã được mọi người suy tôn lên làm vị vua Hùng đầu tiên của nước ta.

    Truyền thuyết dân gian Lạc Long Quân và Âu Cơ

    Ngày Giỗ tổ Hùng Vương được diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Theo tìm hiểu từ Jean D'Arcel, thời kỳ Hùng Vương đã trải qua 18 đời vua kéo dài đến năm 258 trước Công Nguyên thì kết thúc. Trong thời kỳ đó đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng đất nước Việt nam tươi đẹp như ngày nay. Vì thế, các vị vua Hùng được xem là bậc tổ tiên, thế hệ cha ông đi trước đã và luôn được người dân việt Nam tôn kính.

    Từ thời xa xưa, ngày giỗ tổ Hùng Vương có một vị thế đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Việt. Bản ngọc phả viêt thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng:

    “…Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.

    Như vậy, có thể thấy từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng bằng cách giao cho người dân ở khu vực đó trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm lễ Giỗ tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại, những người ở khu vực đó sẽ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu và đi phu đi lính.

    Đến đời nhà Nguyễn năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình ra bộ Lễ định ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận:

    “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.

    Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

    Ýnghĩa ngày lễ giổ tổ Hùng Vương

    Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

    Ý nghĩa của dịp lễ Giổ tổ Hùng Vương trong tâm thức người Việt

    Hàng ngàn năm nay, thờ cúng vua Hùng dần trở thành nét văn hoá lâu đời của người Việt Nam, thấm sâu vào tâm khảm của từng người con máu đỏ da vàng. Truyền thống ngày giổ tổ (mùng 10 tháng 3) là ngọn nguồn sức mạnh tinh thần của cả dân tộc để vượt lên mọi gian lao thử thách trong suốt tiến trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đền Hùng thực sự trở thành biểu tượng tinh thần đại đoàn kết, điểm hội tụ văn hoá tâm linh của mọi người dân đất Việt.

    Ý nghĩa ngày lễ giổ tổ Hùng Vương

    Cạnh đó, ngày lễ mùng 10 tháng 3 không chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc chúng ta không quên cội nguồn của tổ tiên. Qua đó không ngừng học tập, rèn luyện để phục vụ cho công cuộc đất nước. Giổ tổ Hùng Vương còn là dịp để mọi người nhìn nhận lại những biến cố mà đất nước đã trải qua, đồng thời đặt ra những mục tiêu mới để xây dựng quốc gia vững bền hơn.

    Đi qua nhiều biến động của thời gian, những giá trị đến từ văn hoá vua Hùng vẫn được nuôi dưỡng, bảo lưu trong mạch nguồn lễ hội truyền thống, trong các sinh hoạt dân gian các vùng xung quanh núi Hùng.

    Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng là sự phát triển cao có tính chất trừu tượng hóa ý thức về cội nguồn, bắt rễ sâu xa từ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên ông bà trong gia đình, gia tộc và làng xã. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng trong quá trình hình thành, tồn tại đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên những giá trị đạo đức truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân của người Việt Nam.

    Lễ hội Đền Hùng vào dịp Giổ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3

    Khi nhắc đến ngày lễ giổ tổ Hùng Vương, hẳn không thể bỏ qua được vùng đất Phú Thọ - Đền Hùng là điểm đến của hàng ngàn con dân nước Việt mùng 10 tháng 3.

    Phú Thọ Đền Hùng

    Phú Thọ - vùng đất cội nguồn bảo lưu nhiều giá trị văn hoá cổ xưa mà Tổ tiên ta đã dày công xây dựng. Đi kèm với nó là các di tích đình, đền có thờ các nhân vật lịch sử hay vợ con tướng lĩnh của Hùng Vương. Chứa đựng những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian cực kỳ phong phú, đa dạng. Trong đó phải kể đến tục các tục, lệ, kiêng, hèm, lễ hội, sự tích, diễn xướng, các truyền thuyết, thần thoại, cổ tích, các loại hình dân ca, dân vũ, sân khấu, dân gian. Dù trải qua hàng ngàn năm, những giá trị ấy vẫn được lưu giữ, bảo lưu trong mạch nguồn lễ hội truyền thống.

    Còn riêng lễ hội Đền Hùng sẽ chia thành 2 phần rõ rệt là Lễ và Hội.

    Phần Lễ sẽ được thực hiện rất trang trọng với sự tham gia của những vị khách đặc biệt từ Trung uuơng cũng như các vị quan chức sắc quan trọng trong làng. Những tế phẩm trong nghi lễ gồm có: bánh chưng bánh dày, lợn, bò, dê...

    Khi nhạc phường bát âm cất tiếng nhạc là lúc nghi lễ bắt đầu, chủ tế sẽ đọc những lời cầu nguyện trước nơi thờ các vị vua Hùng cùng báo công và cầu phước lành.

    Vào đúng ngày mùng 10/3 âm lịch, có 2 lễ được cử hành cùng lúc tại Đền Hùng là Lễ rước kiệu vua và Lễ dâng hương. Trong đó

    Lễ rước kiệu vua: Những đám rước kiệu rực rỡ sắc màu từ cờ, kiệu, hoa, lọng... sẽ xuất phát từ dưới chân núi, đi qua các đền để đến đền chính Thượng là nơi dâng hương

    Lễ rước kiệu

    Lễ dâng Hương: Lúc này, những người hành hương sẽ trở về đất Tổ để dâng lên nén nhang linh thiêng, bày tỏ tấm lòng với tổ tiên để cầu mong cuộc sống tốt đẹp.

    Lễ Dâng hương

    Sau phần Lễ, phần Hội sẽ đem đến những hoạt động văn hoá mang đậm dấu ấn truyền thống dân tộc như: nấu cơm niêu, thi nấu bánh chưng, bánh dày, biểu diễn trống đồng, hát xoan... Tổ chức các giải bơi chải và phần đặc sắc nhất là tiết mục văn nghệ, chương trình nghệ thuật, bắn pháo hoa tầm cao để phục vụ lễ hội đền Hùng vào tối mùng 09/03.

    Đặc biệt, không chỉ riêng Phú Thọ, những địa phương có di tích như đền, đình, miếu thờ vua Hùng và các nhân vật lịch sử liên quan đến thời kỳ này cũng được tổ chức các hoạt động lễ tế, rước kiệu... Người dân cũng chuẩn bị các sản vật địa phương để dâng lên các vị vua Hùng.

    Vào khung giờ 7 giờ - 9 giờ sáng ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta cũng tham gia nghi thức dâng hương tại khu vực Đền Hùng. Đây là một truyền thống thường niên tốt đẹp của dân tộc ta.

    Lễ giổ tổ hùng vương

    Mang đậm dấu ấn dân tộc cũng như biểu tượng cho truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Vào năm 2022 đã đánh dấu chặng đường 10 năm cho “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” khi vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

    Những giá trị này sẽ trở nên trường tồn trong đời sống văn hoá tâm linh của người Việt. Điều này lý giải sự hấp dẫn của Lễ hội Đền Hùng ngày nay bắt nguồn từ sự kết tinh sâu đậm những nét đẹp của hội làng xa xưa, nó luôn vận động và ngày càng thu hút các giá trị văn hóa của nhiều vùng miền để trở thành nơi hội tụ văn hóa tâm linh của người dân Đất Việt khi hướng về cội nguồn dân tộc.

    Nguồn: Gạo Phương Nam

    CÔNG TY CỔ PHẦN LƯƠNG THỰC PHƯƠNG NAM

    Công ty cổ phần lương thực phương nam

    (Giao hàng Tận nơi – nhanh chóng – chuyên nghiệp)

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    0
    Zalo
    Hotline