Trên mâm cơm vào ngày Tết của người miền Nam thường chuộng món ăn theo tên gọi hoặc hình ảnh gợi lên sự sung túc, ví dụ chưng mâm ngũ quả ngày Tết thì phải là "cầu dừa đủ xoài"; miếng thịt của món thịt kho hột vịt thì nhất định phải cắt vuông lớn, kho chung hột vịt tròn để có được sự toàn vẹn; trái dưa hấu cắt ra phải đỏ ngon thì cả năm mới may mắn...Cùng với các món ăn ngày Tết thì món canh khổ qua nhồi thịt cũng là món ăn không thể thiếu của người miền Nam. Vậy bạn có biết ý nghĩa của món canh khổ qua ngày Tết có ý nghĩa gì với mâm cỗ miền Nam không? Bài viết hôm nay Gạo Phương Nam sẽ gửi đến các bạn ý nghĩa cũng như cách tạo ra món canh khổ qua thơm ngon cho mâm cơm ngày Tết của gia đình Việt, mời các bạn cùng theo dõi!
Tìm hiểu về ý nghĩa của món canh khổ qua
Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, canh khổ qua nhồi thịt trở thành món ăn mang ý nghĩa may mắn. Người miền Nam tin rằng, nếu ăn canh khổ qua vào năm mới sẽ xua đi những khó khăn trong năm cũ, đón chào 1 năm mới nhiều may mắn, thuận lợi hơn. Bên cạnh ý nghĩa này, canh khổ qua với vị thanh mát cũng giúp cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể. Học bí quyết nấu canh khổ qua không đắng, xanh tươi, thơm ngon là rất cần thiết để bạn có thêm món ăn ngon cho những ngày bình thường hay dịp Tết.
Khổ qua ( hay còn gọi là mướp đắng) là loại quả có vị đắng ngọt có tác dụng tốt cho tiêu hóa và có khả năng tiêu đờm lại bổ dưỡng và dễ chế biến nên thường được ưa dùng. Khổ qua có thể chế biến thành nhiều món ngon như: khổ qua xào thịt bò, khổ qua ăn sống cùng với ruốc ( chà bông). Món canh khổ qua nhồi thịt được ưa dùng hơn cả.
Sở dĩ trên mâm cỗ ngày Tết, người miền Nam chọn trái khổ qua vì tên đúng của nó là khổ qua, nghĩa là niềm hy vọng về mọi khó khăn, vất vả sẽ qua hết để năm mới suôn sẻ, may mắn. Loại trái này chẳng phải quý hiếm, bất cứ bà nội trợ nào cũng có thể mua ăn quanh năm, nhưng Tết đến sẽ mang một ý nghĩa khác biệt. Có tô canh khổ qua nhồi thịt trên mâm cỗ ngày Tết tự nhiên thấy an tâm lạ, như thể mọi khổ nhọc rồi sẽ qua, bước sang năm mới là mọi việc sẽ khác.Không chỉ là món ăn lấy may, khổ qua hầm còn rất mát và bổ. Vị đắng trong trái khổ qua chính là bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, trị rôm sảy mụn nhọt rất hiệu quả. Nên dẫu là món ăn truyền thống nhưng khổ qua hầm không bao giờ "lỗi thời" trong mâm cỗ ngày Tết hiện đại.
Công dụng của khổ qua đối với sức khỏe
Khổ qua hay còn gọi là mướp đắng là thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe con người. Trong 100g khổ qua chưa 17 kcal năng lượng, 3.7g carbs, 1g protein, 0.17g chất béo, 2.8g chất xơ, 0.4mg vitamin B3, 0.212mg vitamin B5, 0.43mg vitamin B6, 0.04mg vitamin B2, 0.04mg vitamin B1, 84mg vitamin C, 5mg natri, 296mg kali, 19mg canxi, 0.034mg đồng, 0.43mg sắt, 17mg magie, 0.089mg mangan, 0.8mg kẽm…
Ăn khổ qua sẽ giúp hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2; loại bỏ sỏi thận; giảm cholesterol từ đó giảm đáng kể bệnh tim và đột quỵ, ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tụy; làm sáng da, hữu ích trong việc điều trị mụn trứng cá, vảy nến, chàm; hỗ trợ giảm cân hiệu quả an toàn; giảm triệu chứng ruột kích thích; tăng khả năng miễn dịch…
Cách nấu món canh khổ qua đúng chuẩn vị
Nguyên liệu nấu canh khổ qua nhồi thịt
- 3 trái khổ qua
- 200 gr thịt xay
- 30 gr nấm hương
- Nấm mèo 30 gr
- 50 gr hành lá
- 20 gr ngò rí
- 2 muỗng cà phê đường trắng
- 2 muỗng cà phê hạt nêm
- 1 muỗng cà phê muối
- 2 muỗng cà phê tiêu
- 50 gr nấm rơm
- 40 gr miến (bún tàu)
Cách nấu canh khổ qua nhồi thịt
Bước 1: Nấm mèo, nấm hương khô và miến tàu đem ngâm qua nước ấm cho nở rồi cắt nhỏ. Hành lá cắt lấy đầu hành và lá hành để riêng, lấy 1/2 số đầu hành đem băm nhỏ cùng với gốc ngò (lá hành và lá ngò để riêng cho vào canh khi đã chín).
Bước 2: Cho thịt băm, nấm mèo, nấm hương, miến tàu, hành ngò băm nhỏ vào trộn chung với 1 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê hạt nêm, 2 muỗng cà phê tiêu xay và 2 muỗng cà phê đường. Để 15 phút cho nhân ngấm gia vị.
Bước 3: Khổ qua mua về các bạn cắt 2 đầu, rạch một đường dọc trên thân khổ qua rồi dùng muỗng cạo sạch phần ruột nằm sát tận cùng bên trong và rửa sạch, để ráo. Chần khổ qua trong nước sôi trong vòng 30 giây rồi vớt ra ngâm ngay vào nước lạnh để khử đi vị đắng của khổ qua. Dùng muỗng nén chặt nhân vào khúc khổ qua để cố định nhân tránh làm nhân rơi ra khi hầm. Nhớ nạo sạch phần ruột trắng sẽ làm cho khổ qua đỡ đắng hơn nhiều.
Bước 4: Cho vào nồi 800ml nước lạnh, 50gr nấm rơm, 1/2 số đầu hành còn lại và khổ qua đã nhồi thịt. Mở lửa lớn nấu cho canh sôi lên, vớt hết bọt để nước được trong và nêm nếm gia vị lại cho vừa miệng. Sau đó hạ lửa nhỏ, hầm khoảng 1 tiếng cho khổ qua mềm.
Bước 5: Sau khi hầm 1 tiếng, để kiểm tra độ chín bạn dùng nĩa xiên qua khúc khổ qua, nếu thấy xiên qua dễ dàng là hoàn tất. Rưới thêm hành ngò rồi nhắc xuống. Canh khổ qua ăn với cơm nóng, chấm kèm với nước mắm ớt sẽ làm nổi bật hương vị món canh lên rất nhiều.
Thành phẩm
Múc canh ra rồi cho hành lá cắt khúc, ngò rí và một ít tiêu lên và món ăn đã hoàn thành rồi.
Với canh khổ qua nấu theo cách này đảm bảo vị đắng sẽ giảm đi rất nhiều, chỉ còn lại vị ngọt thanh rất dễ ăn nên ai cũng có thể ăn được, chấm kèm với nước mắm ớt là đảm món ăn trọn vị thơm ngon.
Mẹo nấu canh khổ qua không bị đắng
Canh khổ qua nhồi thịt là món canh thanh mát và là những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Tuy nhiên vị đắng của khổ qua khiến cho nhiều người hoặc bé yêu nhà bạn không ăn được. Nếu khử đắng sai thì sẽ làm mất đi hương vị cũng như dưỡng chất của khổ qua.Thật đau đầu quá phải không các mẹ. Để khổ qua không bị đắng chúng ta có các cách như sau:
- Không dùng đường để nêm canh khổ qua, vì sẽ khiến nước và phần khổ qua bị đắng hơn.
- Nên chọn khổ qua thật non, vì nếu chọn trái già sẽ bị đắng. Cách chọn mua khổ qua không bị đắng thì bạn nên chọn những trái khổ qua trái trưởng thành không quá non cũng không quá già, có gai nở, dáng ngắn bầu tròn. Chọn khổ qua gốc tức là trái khổ qua ra lần đầu của cây. Những trái khổ qua này thường da căng, gai nở to. Những trái khổ qua có màu xanh nhạt sẽ ít đắng hơn so với những trái sậm màu. Bạn cũng không nên chọn những trái ngả sang màu vàng hoặc đỏ vì chúng đã chín không còn độ giòn khi ăn. Khổ qua rừng sẽ có vị đắng gắt hơn so với khổ qua thường.
- Khi nấu không đậy nắp để tránh làm khổ qua bị vàng.
- Khổ qua chọn quả căng tròn đem rửa sạch, cắt làm đôi, dùng muôi nạo sạch phần ruột bên trong. Muốn khổ qua bớt đắng, ngâm khổ qua trong nước lạnh 10 - 15 phút.
- Cho ớt vào khi nấu canh khổ qua, vị cay sẽ át bớt vị đắng của khổ qua.
- Thoa nước mắm sống bên ngoài để nhân định hình, không bị rớt ra ngoài.
Cách bảo quản canh khổ qua nhồi thịt
Tránh nêm canh bằng nước mắm thay vào đó nên sử dụng muối ăn để tránh tình trạng canh nhanh bị chua và không bảo quản được lâu.
Không nên đậy kín nắp khi vừa nấu canh xong vì sẽ khiến canh dễ bị chua và thiu.
Ăn lượng canh vừa đủ và dùng hết, tránh đổ phần canh thừa lại vào trong nồi canh.
Hạn chế tình trạng canh bị thiu nên hâm nóng lại canh ngày 2 lần.
Món khổ qua thành phẩm đạt khi khổ qua còn giữ được nguyên hình và có màu xanh nhạt, thơm hương của tiêu bắc của hành mùi mà đắng ngọt. Nhân gian ta thích món canh khổ qua ngoài sự thơm mát thanh dịu bổ dưỡng còn hàm ý nghĩa những điều xui xẻo, buồn khổ sẽ qua đi, những may mắn tốt lành sẽ đến cho đời thêm hương sắc vui tươi.
Chúc mâm cỗ ngày Tết của gia đình bạn sẽ sum vầy và đầm ấm với món canh khổ qua nhồi thịt nhé!