Vào mỗi năm, ở các làng quê Việt Nam đều có những lễ hội riêng tạo không gian để mọi người quây quần cạnh nhau. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, Việt Nam có gần 500 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong 4 mùa. Không chỉ thu hút bởi sự náo nhiệt mà còn những nét văn hoá, tín ngưỡng được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong đó, lễ hội dân gian được ví như một mạch nước ngầm xuyên thời gian, nuôi dưỡng đời sống tinh thần của hầu hết con người Việt Nam.
Nguồn gốc và ý nghĩa lễ hội dân gian
Trong lịch sử đã hình thành hai vùng văn hoá lớn là phương Đông và phương Tây. Trong đó, phương Tây là khu vực Tây - Bắc gồm toàn bộ Châu Âu (đến dãy Uran). Còn phương Đông gồm Châu Á và châu Phi, trừ một “vùng đệm” như một dải đường chéo chạy dài ở giữa từ Tây Nam lên Đông - Bắc thì phương Đông là khu vực còn lại. Hai vùng này có sự khác biệt rõ rệt về mọi mặt, như ngôn ngữ ở phương Tây là biến hình còn phương Đông là đơn lập. Người phương Tây coi trọng cá nhân thì người phương Đông lại coi trọng tính cộng đồng.
Một phần do sự khác biệt văn hoá là môi trường sống của cư dân phương Đông là xứ nóng sinh ra nhiều mua, tạo nên các con sông lớn với những vùng đồng bằng trù phú. Còn phương Tây là xứ lạnh với khí hậu khô, không thích hợp để thực vật phát triển. Hai loại địa hình này khiến cư dân hai khu vực phải sinh sống bằng hai việc khác nhau là trồng trọt và chăn nuôi.
Sau này, cư dân ở ven biển thì phát triển thêm thương nghiệp buôn bán, chỉ còn lại các dân tộc bên trong lục địa làm nông nghiệp, nhưng chăn nuôi vẫn là ngành nghề được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên về sau các dân tộc phương Tây đã đổi hướng sang thương nghiệp, rồi phát triển ra công nghiệp và đô thị, nhưng gốc du mục đã để lại dấu ấn quan trọng trong đời sống văn hoá của họ.
Vì thế, căn cứ vào nguồn gốc của hai khu vực văn hoá, ta phân chia văn hoá nhân loại ra thành 2 loại hình văn hoá: Loại hình văn hoá gốc nông nghiệp và loại hình văn hoá gốc du mục.
Việt Nam nằm trong nền văn hoá phương Đông, do vậy thuộc loại văn hoá gốc nông nghiệp. Các cư dân nông nghiệp phải sống định cư để gieo trồng và chờ cây cối lớn, ra hoa kết trái và thu hoạch. Do sống phụ thuộc vào thiên nhiên nên con người ước vọng sống hoà hợp với mọi thứ, có lúc còn thần thánh hoá thiên nhiên. Bởi thế nên trên khắp các vùng miền lãnh thổ đều có những lễ hội dân gian tưởng nhớ công ơn của các vị thần thiên nhiên như: Thần Nước, Thần Sông, Thần Biển, Thần Rừng… và phương thức sản xuất nông nghiệp là một trong các nguồn gốc của lễ hội dân gian Việt Nam.
Ngoài ra, lễ hội dân gian còn là loại hình sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong ngàn năm lịch sử. Người Việt có một truyền thống rất đáng quý “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội dân gian còn là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu đó của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng liêng, được suy tôn là những vị “Thần” - nhân vật có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại.
Hình tượng các vị thần đã hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người, đó là hình ảnh những anh hùng chống giặc ngoại xâm, những người khai phá vùng đất mới, những người chống chọi với thiên nhiên, trừ ác thú, chữa bệnh cứu người,… Ngoài ra còn có những nhân vật truyền thuyết đã chi phối cuộc sống nơi trần gian, giúp con người hướng thiện, giữ gìn cuộc sống hạnh phúc… Trong đó:
Lễ hội sẽ là thời điểm để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân, công dức với các vị Thần của dân tộc, cộng đồng.
Lễ hội còn là dịp con người được trở về nguồn cội. Dù là cội nguồn tự nhiên hay dân tộc thì đều mang một ý nghĩa rất thiêng liêng trong tâm trí con người.
Lễ hội sẽ thể hiện sức mạnh cộng đồng, làng xa, địa phương hay rộng hơn là quốc gia dân tộc. Mọi người thờ chung một vị Thần, có chung mục tiêu đoàn kết để vượt qua gian khó, giành cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội cũng là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư. Đây cũng là hình thức chuyển giao, giáo dục đến thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống quý báu theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi giải trí, đua tài…
Lễ hội còn là dịp con người được giải toả, giải bày phiền muộn, lo âu với Thần linh, mong được Người giúp đỡ, chở che vượt qua những khó khăn vất vả trong cuộc sống.
» Lễ hội ngày tết ở Sóc Trăng - Tết Chôl Chnăm Thmây
» Những lễ hội thú vị ở Sóc Trăng
» Tìm hiểu về ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng
Các đặc trưng của lễ hội dân gian
Nếu lễ tết sẽ tính theo thời gian thì lễ hội sẽ phân bố theo không gian. Vào mùa xuân và mùa thu là lúc công việc đồng áng rảnh rỗi nhất, đây là dịp rất nhiều lễ hội được tổ chức, mỗi vùng sẽ có những lễ hội dân gian riêng của mình. Vì thế có câu nói
Mùng 7 hội Khám
Mùng 8 hội Dâu
Mùng 9 đâu đâu
Nhớ về hội Gióng
Lễ hội sẽ có 2 phần: phần lễ và phần hội.
Phần lễ sẽ mang ý nghĩa tạ ơn và cầu xin Thần linh bảo hộ cho cuộc sống của mình. Căn cứ vào mục đích này và dự vào cấu trúc của hệ thống văn hoá, có thể phân biệt 3 loại lễ hội: lễ hội liên quan đến tự nhiên (lễ hội cầu mưa, hội xuống đồng, hội đâm trâu, hội cơm mới, hội cốm, hội đua ghe ngo…), lễ hội tưởng nhớ ơn đức đối với những người có công với dân tộc (lễ hội Đền Hùng, hội Gióng, hội Tây Sơn, hội Đống Đa…) và lễ hội tôn giáo và văn hoá (hội Chùa Hương, hội Chùa Thầy, hội đền Bắc Lệ, hội Phủ Giày, hội Núi Bà Đen…).
Phần hội sẽ gồm các trò vui chơi giải trí hết sức phong phú. Xét về nguồn gốc, phần lớn các trò chơi này đều xuất phát từ những ước vọng của dân cư nông nghiệp. Ví dụ từ hy vọng cầu mưa là các trò tạo ra tiếng nổ mô phỏng tiếng sấm, như thi đốt pháo, đi thuyền, ném pháo…. Nếu xuất phát từ ước vọng phồn thực sẽ là các trò như cướp cầu thả lỗ, đánh đáo, ném còn, nhún du, bắt trạch trong chum… Còn ước vọng rèn luyện nhanh nhẹn, tháo vát, khéo léo sẽ là các trò như thi nấu cơm, thi luộc thịt gà, dọn cỗ, bắt lợn, dệt vải, leo cầu, bịt mắt bắt dê, đua cà keo… Còn ước vọng rèn luyện sức khoẻ và khả năng chiến đấu là các trò đấu vật, kéo co, chọi gà, chọi trâu, chọi dế…
Lễ tết và lễ hội đều là sự tổng hợp uyển chuyển của cái linh thiên (lễ) và cái trần thế (tết, hội). Nhưng lễ tết sẽ thiên về vật chất (ăn), còn lễ hội thiên về tinh thần (chơi). Vì thế dân gian thường nói “ăn tết”, “chơi hội”. Lễ tết thì chỉ giới hạn trong mỗi gia đình còn lễ hội thì mở rộng trên phạm vi cộng đồng.
Lễ tết sẽ duy trì quan hệ dân chủ bình đẳng giữa các thành viên trong làng xa và liên kết lứa đôi thành những gia đình mới và phân bố theo thời gian trong khi lễ hội là không gian. Hai trục này một dọc một ngang kết hợp với nhau tạo nên nhịp sống âm dương hài hoà xuyên suốt bao đời của người dân Việt Nam.
Một đặc trưng nổi bật của lễ hội dân gian Việt Nam là tính đa dạng và phong phú. Mỗi lễ hội sẽ mang một nét tiêu biểu và giá trị rất riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng linh thiêng cần được tôn thờ như những vị anh hùng chống giặc ngoại xâm, những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế….
Với tư tưởng “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, ngày hội diễn ra rất sôi động bằng việc diễn lại các sự tích, công trạng của người đi trước. Tất cả như cầu nồi giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao của Tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Đặc biệt, lễ hội ở nước ta còn gắn với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng nhân dân.
Hơn hết, phần lớn các lễ hội dân gian Việt Nam sẽ gắn với sự kiện lịch sử, tưởng nhớ người có công với nước nên các trò vui chơi lễ hội thường mang tính mạnh mẽ tinh thần thượng võ như: đấu vật (hội Cổ Loa), đấu võ, chạy thi (hội hoa Vị Khê, Nam Định), thi bắn nỏ, ném còn (vùng đồng bào dân tộc phía Bắc)…
Đối với bà con ở dân tộc Tây Nguyên, lễ hội đâm trâu là tiêu biểu nhất. Trong lễ hội này, ngoài nghi lễ đâm trâu hiến tế hấp dẫn còn có trò múa khiên, ném lao, đấu gậy.
Các trò vui chơi giải trí ở lễ hội dân gian còn bao gồm những hoạt động văn hoá, xã hội khác như thi hát quan họ, thi nấu cơm, chọi gà, dệt vải, đấu vật, đánh đu… Đặc biệt, trò đánh đu không chỉ xuất hiện trong dịp lễ hội lớn mà còn là một trò vui chơi dân dã trong những ngày Tết ở các làng xã.
Quy trình của một lễ hội dân gian
Quy trình một lễ hội dân gian thường được tiến hành theo 3 bước:
Bước 1: Chuẩn bị
Bước này bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị cho mùa lễ hội sau và khi ngày hội đã đến gần. Việc chuẩn bị cho mùa lễ hội sau được tiến hành ngay sau khi mùa hội trước kết thúc, mọi khâu chuẩn bị đã có sự phân công rõ ràng, cắt cử mọi việc để đón mùa lễ hội năm sau.
Khi ngày hội sắp diễn ra thì công tác chuẩn bị sẽ bao gồm: kiểm tra lại đồ tế lễ, trang phục, quét dọn, mở cửa di tích, rước nước làm lễ tắm tượng, cùng các đồ tế tự, thay trang phục mũ cho thần…
Bước 2: Vào hội
Các hoạt động chính thức trong ngày hội sẽ là các nghi thức tế lễ, lễ rước, dâng hương, tổ chức các trò vui. Đay là toàn bộ những hoạt động chính có ý nghĩa nhất của một lễ hội. Lễ hội thu hút nhiều hay ít khách, diễn ra trong một ngày hay nhiều ngày hoàn toàn được chi phối bởi các hoạt động trong hội có hấp dẫn hay không.
Bước 3: Kết thúc hội (xuất tịch, giã đám, giã hội)
Lúc này, ban tổ chức sẽ làm lễ tạ, đóng cửa di tích.
Đặc biệt, phần lớn trong các lễ hội dân gian sẽ có một vài nghi thức bắt buộc. Các nghi thức này được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ, nghiêm ngặt từ khi chuẩn bị lễ hội cho đến khi hết hội. Thông thường một lễ hội dân gian sẽ có các nghi lễ như: lễ mộc dục, lễ tế gia quan, lễ rước, lễ tế khai hội và tế giã đám.
Nguồn: Gạo Phương Nam
CÔNG TY CỔ PHẦN LƯƠNG THỰC PHƯƠNG NAM
- Quận 3: Kho – Cửa hàng: 453/86 Lê Văn Sỹ, Phường 12, Quận 3, TP.HCM
- Điện thoại (zalo): 0909 34 9988 – 0902 58 1717
- Quận 10: Showroom – Bán lẻ: 644/4/3 Đường Ba Tháng Hai, P.14, Q.10, TP.HCM
- Điện thoại (zalo): 093 110 9395 – 0902 58 1717
- TP. Thủ Đức: Điểm bán hàng: Số 16 Đường 359 (Đỗ Xuân Hợp), KP5, P. Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP. HCM.
- Điện thoại (zalo): 076 3736 999 – 0909 34 9988
- Email: nongsansachphuongnam@gmail.com
- Facebook: https://www.facebook.com/phuongnamfood
(Giao hàng Tận nơi – nhanh chóng – chuyên nghiệp)