Lễ hội Sóc Trăng - Tết Chôl Chnăm Thmây mừng năm mới của người Khmer

Đặt và giao hàng tận nơi: 0909 34 99 88

Lễ hội Sóc Trăng - Tết Chôl Chnăm Thmây mừng năm mới của người Khmer
Ngày đăng: 02/02/2023 05:01 PM

    Tết Chôl Chnăm Thmây là gì ?

    Chôl Chnăm Thmây hay còn gọi là Chaul Chnam Thmay là lễ hội mừng năm mới tính theo lịch cổ truyền của người Khmer giống như Tết Nguyên Đán. Trong ngôn ngữ Khmer, "Chôl" mang ý nghĩa "vào" và "Chnăm Thmây" là "năm mới". Lễ hội này sẽ được diễn ra vào khoảng giữa tháng tư dương lịch cùng với nhiều hoạt động và nghi lễ khác nhau.

    Tết chôl chnăm thmây

    Có thể nói, tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Campuchia và hơn 1,3 triệu người đồng bào Khmer. Chôl Chnăm Thmây mang nhiều nét tương đồng với Tết Bunpimay của Lào, tết Songkran của Thái hay tết Thingyan của Myanmar. Theo quan niệm của người Khmer, giữa tháng 4 là thời kỳ tiếp giám của hai mùa mưa nắng nên cây cối tốt tươi... được mọi người tin rằng sẽ là khởi đầu cho một năm thuận lợi. Đây không chỉ là lễ hội để đoàn kết cộng đồng mà còn là dịp để tất cả cùng tận hưởng thiên nhiên, thể hiện ước vọng với một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Không chỉ thế, như ngày tiết Thanh Minh của người Việt và người Hoa, Chôl Chnăm Thmây còn là thời điểm tưởng nhớ đến người thân đã khuất, vừa hướng đến những điều cũ vừa hướng đến một tương lai tươi sáng.

    Qua đó, ta có thể thấy, tết Chôl Chnăm Thmây ngoài việc mang đậm màu sắc văn hoá điển hình của nền văn minh lúa nước còn thể hiện được cái sự phóng khoáng, lạc quan, sẵn sàng vượt khó khăn, hướng tới tương lai của đồng bào Khmer khi ăn tết ngay đầu vụ mùa lúa mới.

    Đọc thêm:
    » Top các loại đặc sản Sóc Trăng ai đi cũng nhớ
    » Những lễ hội ở Sóc Trăng độc đáo, thú vị

    Nguồn gốc ngày Tết Chôl Chnăm Thmây

    Tết Chôl Chnăm Thmây bắt nguồn từ truyền thuyết liên quan đến việc đổi tôn giáo Bà La Môn sang Phật giáo, xoay quanh việc đấu trí giữa Đại Phạm Thiên (Kabul Maha Prum) và cậu bé Thom Ma Bal thông minh - tiền kiếp của đức Phật.

    chuyện xưa kể rằng có cậu bé rất thông minh tên Thom Ma Bal. Khi cậu lên 7 đã khiến mọi người ngưỡng mộ, thán phục về sự hiểu biết của mình. Tin về cậu bé thông minh Thom Ma Bal truyền đi khắp nơi, chẳng mấy chốc đã vang tới thượng giới. Các vị thần nghe được cũng muốn xuống trần gian nghe Thom Ma Bal thuyết giảng, vì thế, những buổi truyền bá của thần Kabul Maha Prum trên thượng giới ngày càng vắng vẻ hơn.

    Thần Kabul Maha Prum trước khi Thom Ma Bal xuất hiện vốn rất có uy và được nhiều người tôn sùng trên thượng giới. Nay dưới trần gian xuất hiện một cậu bé tài trí hơn mình nên rất tức giận. Thần ra lệnh cho các vị thần khác trở về, không cho xuống trần gian. Đồng thời, Người còn tìm cách hãm hại Thom Ma Bal bằng cách đặt ra 3 câu hỏi và bắt cậu bé trả lời trong vòng 7 ngày. Trong giao ước, nếu Thom Ma Bal trả lời được, Thần Kabul sẽ tự tay kết liễu mình còn ngược lại, Thom Ma Bal phải dâng mạng sống của mình cho Kabul Maha Prum.

    Khi nhận được câu hỏi, Thom Ma Bal đã suy nghĩ suốt cả ngày lẫn đêm, tuy nhiên không tìm được câu trả lời. Đến ngày thứ sáu, cậu bé đi lang thang và mệt mỏi ngồi nghỉ dưới cây thốt nốt, tình cờ nghe được cuộc nói chuyện giữa hai con chim đại bàng và có câu trả lời cho 3 câu hỏi thần Kabul.

    Đúng ngày hẹn, Thần kabul Maha Prum tay cầm gươm vàng, đi xuống trần gian gặp Thom Ma Bal. Khi nghe được câu trả lời đúng, thần Kabul đã giữ đúng lời hứa và tự s.át. Trước khi chết, thần đã căn dặn người con gái của mình hãy để đầu ông trên một khay vàng và giữ nó ở một toà tháp trên đỉnh Prasume. Nếu đầu ông rơi xuống biển, biển sẽ cạn, còn nếu để trên cao, trời sẽ không mưa, còn nếu rơi xuống đất thì đất sẽ khô cằn, cây cối khô héo.

    Nguồn gốc ngày Tết Chôl Chnăm Thmây

    Ngoài ra, thần Kabul Maha Prum cũng không quên dặn dò những người con của mình hàng năm phải thay phiên nhau xuống trần gian để bảo vệ người dân, phù hộ cho họ một năm mùa màng bội thu, bình an.

    Từ đó về sau, theo phong tục hàng năm , cứ đến ngày thần Kabul Maha Prum mất, bảy người con gái của thần sẽ thay phiên nhau xuống trần gian, mang theo cái mâm chứa đầu vị thần xuống núi Prassume rồi vòng quanh dưới chân núi ba vòng theo hướng mặt trời mọc. Từ lẽ đó, người dân Khmer xem đó như là ngày đầu tiên để khởi đầu một năm.

    Lễ hội Chôl Chnăm Thmây diễn ra như thế nào?

    Đối với người Khmer, lễ mừng năm mới Chôl Chnăm Thmây được tổ chức vào mùa xuân vì lúc này là thời điểm chuyển giao giữa hai mùa mưa nắng nên sẽ là một khởi đầu rất tốt cho năm mới. Theo lịch cổ truyền, ngày lễ này diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch hàng năm, là lúc Sóc Trăng vào mùa khô, bắt đầu mùa vụ mới và có ảnh hưởng sâu sắc với niềm tin Phật giáo và Bà La Môn.

    Lễ hội Chôl Chnăm Thmây

    Do mang theo ý nghĩa chào đón mùa màng mới, chào đón mùa mưa nên ngày Tết Chôl Chnăm Thmây thường kéo dài từ 10-15 ngày. Tuy nhiên, trong những năm gần đây với xu thế đơn giản hoá lễ hội, dịp mừng năm mới Chôl Chnăm Thmây được rút ngắn chỉ còn 3 ngày (chưa kể những việc cần chuẩn bị nhiều ngày trước đó).

    Trước dịp lễ hội này, người Khmer trước hết sẽ chuẩn bị những bộ trang phục thật đẹp, sạch sẽ, nhà cửa sửa sang, quét dọn và trang trí như trong ngày Tết Nguyên Đán. Đồ ăn, thức uống sẽ được chuẩn bị đầy đủ trong dịp lễ này như gạo, bánh trái, hoa quả, thịt cá, rau dưa... Mọi công việc thường ngày sẽ dừng lại, người đi xa sẽ trở về, mọi người nghỉ ngơi, trâu bò thả tự do để chăm lo cho dịp Tết.

    Tiếp đó, Giao thừa của người Khmer không được tính theo thời khắc 0h như Tết thường thấy mà được căn cứ vào thời điểm tiên nữ (con của thần Kabul Maha Prum) xuống trần gian. Lúc giao thừa, A Cha (người tu hành và có địa vị cao trong xã hội) trong các ngôi chùa sẽ làm lễ và thông báo đến người dân. Các bàn thờ sẽ được đặt ở nơi trang trọng nhất để đón tiếp các vị thần, ông bà tổ tiên. Trên đó sẽ được bày các mâm lễ vật gồm 5 ngọn nến, 5 nén hương, 5 chén cốm, 1 cặp dừa, 2 ly nước, hoa tươi và 11 loại trái cây khác nhau. Các thành viên trong nhà sẽ ngồi hành lễ trước bàn thờ, khấn vái và câu mong phước lành trong năm tiếp theo.

    Ngày đầu tiên của Tết Chôl Chnăm Thmây

    Ngày đầu của dịp lễ này thường dược mọi người gọi là ngày Chôl Sangkran Thmây với hoạt động chính là Lễ rước Đại Lịch (Maha Sangkran). Mọi người sẽ tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp và đội cỗ lên chùa. Thường thì lễ rước sẽ được chọn vào giờ tốt ấn định, bất kể là sáng hay chiều.

    Ngày đầu tiên của Tết Chôl Chnăm Thmây

    Trong đó, Đại Lịch được đặt trong khay sơn son thếp vàng và đưa lên kiệu khiêng đi vòng quanh chính điện 3 vòng, ngoài việc vừa là lễ chào mừng năm mới vừa là lễ chờ điềm báo cho năm sau. Khi tiến hành nghi thức, một số chùa còn tổ chức thêm dàn nhạc ngũ âm hay nhóm múa Chhay-dăm với người dẫn đầu mang mặt nạ, tay cầm gậy múa mở đường. Tiếp đó là vị Achar đội mâm lễ vật trên đầu, một người đi sau cầm lọng vàng che, sau đó là đoàn người tay cầm nhang, đèn đốt, tuần tự xếp hàng 2, hàng ba đi về phía đông theo chiều kim đồng hồ.

    Sau khi công cuộc rước hoàn thiện, mọi người sẽ vào chính điện làm lễ Phật, tụng kinh mừng năm mới. Những ai không làm tại chùa cũng có thể thực hiện nghi thức ngay tại nhà.

    Ngày thứ hai của Tết Chôl Chnăm Thmây

    Sau ngày lễ rước Đại Lịch, ngày thứ hai sẽ được gọi là ngày Wonbơf sẽ diễn ra lễ dâng cơm và đắp núi cát.

    Mở đầu buổi lễ dâng cơm sẽ là lời tụng niệm, thuyết phát từ các vị Acha, tiếp đó là các vị sư tụng kinh, làm lễ tạ ơn những người làm ra vật thực cũng như đưa vật thực đến những linh hồn. Sau đó thưởng thức và tụng kinh, cầu siêu cho những người đã khuất. Còn với những ngày bình thường, ngày lễ dâng cơm các vị sư, sãi sẽ mang bình bát đi vào các phum sóc của người Khmer khất thực đi đường vào buổi sáng. Còn ngày tết Chôl Chnăm Thmây thì người Khmer trong phum sóc mang cơm đến tận chùa dâng cho các vị sư. Đây là một trong những phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer được duy trì qua nhiều thế hệ.

    Còn với lễ đắp núi cát (Puôn phnôm khsach) thường diễn ra vào buổi chiều ngày Wonbơf. Mỗi hạt cát đắp lên tạo thành núi theo quan niệm sẽ giải thoát được một người có tội ở thế gian. Vì thế, việc đắp núi cát được rất nhiều người dân trông chờ và cầu nguyện mong Đức Phật ban phước lành.

    Lẽ dắp núi cát

    Ngày nay, việc đắp núi cát chỉ diễn ra ở những ngôi chùa đang xây dựng. Đôi khi được thay bằng núi lúa hay lúa gạo và số lúa gạo này sẽ được phân phát cho người nghèo hay nấu ăn cho các vị sư.

    Ngày thứ ba của Tết Chôl Chnăm Thmây

    Tết Chôl Chnăm Thmây vào ngày thứ ba được gọi là ngày Lơng Săk. Vào ngày này, bà con Khmer sẽ tiến hành lễ tắm tượng Phật và lễ cầu siêu.

    Trong đó, lễ tắm tượng Phật thường diễn ra vào buổi chiều, các Acha sẽ đặt tượng Phật vào thau lớn có hoa tươi, nước tinh khiết và ướp nước hoa. Thời gian đó, vị Acha sẽ đọc kinh, các vị sư dùng cành hoa nhúng vào nước thơm tắm tượng Phật. Sau khi làm lễ, người dân sẽ trở về nhà và tiến hành lễ tắm tượng Phật tại nhà. Nghi lễ này nhằm mục đích bày tỏ lòng biết ơn với đấng thần linh, rửa đi những điều không may của năm cũ, đón những điều may mắn.

    Ngày thứ ba của Tết Chôl Chnăm Thmây

    Tiếp theo lễ tắm tượng Phật, mọi người cùng các vị Acha tập trung tại khu vực tháp đựng hài cốt để cầu siêu cho các linh hồn, nhà sư đã viên tịch và người thân đã khuất. Người Khmer sẽ đặt một khay lễ vật trên một chiếc chiếu trước tháp, thắp hương và các nhà sư sẽ tụng kinh. Trong thời gian đọc, các nhà sư sẽ vẩy nước thơm lên các tín đồ xung quanh tháp để lan toả hạnh phúc đến mọi người.

    Kết thúc lễ cầu siêu sẽ là lúc kết thúc dịp tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer. Ngoài các nghi thức phật giáo, đồng bào Khmer việt Nam sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật, các trò chơi dân gian như thả diều, đánh quay lửa hay nghe các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu; thanh niên trai, gái tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dukê, diễn roban, múa ramvông, romxaravan, múa trống xàdăm...

    Cũng như dịp Tết Nguyên Đán của người Kinh, tết Chôl Chnăm Thmây cũng là thời điểm mọi người ở xa trở về gia đình sum họp, cùng nhau đón mừng năm mới, thăm họ hàng, gia đình, chúc nhau sức khoẻ và cầu mong một cuộc sống yên vui, hạnh phúc.

    Ngoài mang đậm nét văn hoá Phật giáo, ngày tết năm mới của người Khmer còn cho thấy hình ảnh của đạo Bà La Môn qua việc mọi người rất chú trọng việc cúng dường chư thiên bằng nhiều món hoa quả khác nhau. Ngoài ra còn là dịp để mọi người cúng bái tổ tiên, chúc tết, quan tâm nhau. Chính điều này đã làm nên vẻ đẹp văn hoá cho người Khmer với tính cách phóng khoáng, dân dã, chân thành, hiếu hoà rất đáng trân trọng của người đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng và người dân Sóc Trăng nói chung.

    Nguồn: Gạo Phương Nam

    CÔNG TY CỔ PHẦN LƯƠNG THỰC PHƯƠNG NAM

    Công ty cổ phần lương thực phương nam

    (Giao hàng Tận nơi – nhanh chóng – chuyên nghiệp)

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    0
    Zalo
    Hotline