Lễ Cúng Khai Trương Đầu Năm Có Ý Nghĩa Gì? Và Cúng Khai Trương Thế Nào Đúng Cách?

Đặt và giao hàng tận nơi: 0909 34 99 88

Lễ Cúng Khai Trương Đầu Năm Có Ý Nghĩa Gì? Và Cúng Khai Trương Thế Nào Đúng Cách?
Ngày đăng: 10/01/2023 11:43 PM

    CÚNG KHAI TRƯƠNG

    Đối với các công ty, doanh nghiệp hay cá nhân có các hoạt động kinh doanh, buôn bán thì việc cúng khai trương đầu năm sẽ chẳng còn quá xa lạ. Bất kỳ ai đang kinh doanh khi bắt đầu năm mới đều thực hiện lễ cúng khai trương với mong muốn một năm mua bán suôn sẻ, thuận lợi. Nên vào ngày này, ngoài việc trang hoàng nơi kinh doanh của mình, chủ doanh nghiệp thường chuẩn bị mâm cỗ tươm tất để cúng khai trương.

    Lễ cúng này thể hiện mong muốn của chủ doanh nghiệp, nhà hàng... có được một khởi đầu thuận lợi, may mắn, làm ăn phát đạt. Vậy cách cúng khai trương đầu năm được thực hiện như thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết này cùng với Gạo Phương Nam để nắm được cách cúng khai trương đầu năm chuẩn nhé.

    1. Lễ cúng khai trương đầu năm có ý nghĩa gì?

    Người Việt ta có câu "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" với hàm ý muốn nói rằng dù con người có giỏi tính toán thì kết quả thành hay bại cũng một phần do ý trời định đoạt. Thêm nữa là quan niệm "Đầu xuôi, đuôi lọt" nên dân kinh doanh, buôn bán thường duy trì lễ cúng đầu mỗi năm mới (tính theo lịch Âm).

    Lễ cúng khai trương đầu năm này được họ rất coi trọng và chuẩn bị rất cẩn thận. Họ cho rằng nhờ lễ cúng này mà công việc làm ăn, buôn bán hay các giao dịch trong năm của họ sẽ được diễn ra xuôi chèo, mát mái hơn, may mắn và thành công hơn.

    Cứ bắt đầu bước sang một năm mới, chủ của các doanh nghiệp, cửa hàng, công ty... lại chọn một ngày đẹp để thực hiện lễ cúng khai trương coi như là ngày mở hàng của năm mới đó. Nghi lễ này được thể hiện cho một chu kỳ làm ăn mới với mong muốn mọi phiền muộn, đen đủi của năm cũ sẽ qua đi và bắt đầu một năm mới tốt lành hơn, suôn sẻ hơn.

    Theo phong tục truyền thống của dân ta, cúng khai trương là một nghi thức thiết yếu khi bắt đầu công việc kinh doanh, làm ăn. Như lời người xưa, mỗi mảnh đất, sông, núi đều có thần linh riêng giám sát, cai quản. Khi thực hiện cúng khai trương là bạn đang trình diện, xin phép vị thần nơi đó để bạn mở cửa làm ăn, cũng như xin sự phù hộ từ thần, giúp cho cửa hàng, công ty phát triển thuận lợi, may mắn. Khi bạn muốn khởi sự làm ăn, việc cúng khai trương cần phải được thực hiện một cách cẩn thận, thành âm, chu đáo. Một buổi lễ thuận lợi, tốt đẹp chắc chắn sẽ mang lại khởi đầu may mắn cho công ty, cửa hàng của bạn, từ đó công việc về sau cũng thuận lợi hơn.

    2. Cách cúng khai trương đầu năm:

    Chọn ngày, giờ đẹp cho lễ cúng khai trương đầu năm

    Chọn ngày đẹp khai trương, giờ đẹp cúng khai trương là một trong những việc làm quan trọng để tiến hành lễ cúng khai trương đầu năm. Thông thường, ngày được chọn sẽ là một ngày tốt theo lịch vạn niên, đồng thời phải hợp tuổi của người đứng đầu công ty, doanh nghiệp hay nhà hàng.

    Nhưng thông thường, những ngày khai trương đầu năm này sẽ ưu tiên những ngày chẵn như mùng 2, mùng 4, mùng 6... tháng giêng Âm lịch bởi số chẵn thường biểu hiện cho sự đủ đầy, tài lộc.

    Mâm cúng khai trương đầu năm gồm những gì?

    Đồ cúng khai trương đầu năm cũng là một trong những phần rất quan trọng mà bạn cần chú ý để buổi lễ được diễn ra tốt đẹp. Tùy vào quy mô của từng doanh nghiệp, cửa hàng mà mâm cúng sẽ được chuẩn bị khác nhau nhưng thông thường, mâm cúng khai trương đầu năm sẽ bao gồm các lễ vật cơ bản như sau:

    1 lọ hoa đồng tiền để thể hiện cho sự may mắn về tiền bạc.

    1 mâm trái cây gồm 5 quả tùy theo phong tục của từng địa phương.

    3 đĩa xôi (hoặc bánh chưng).

    3 chén chè. 3 chén nước.

    2 cây đèn cầy.

    Vàng bạc (hàng mã), tiền xâu chuỗi...

    3 nén nhang.

    Trầu cau.

    Bánh kẹo, mứt Tết.

    Rượu trắng.

    Thuốc lá, trà.

    1 đĩa gạo. 1 đĩa muối.

    1 con gà luộc (hoặc khoanh giò, đầu heo, thịt heo quay tùy theo quan niệm của từng địa phương và quy mô của từng doanh nghiệp).

    Văn khấn cúng khai trương đầu năm

    Nam mô a di Đà Phật!

    Nam mô a di Đà Phật!

    Nam mô a di Đà Phật!

    Kính lạy:

    - Quan Đương niên Hành khiển Thái Tuế chí đức Tôn thần.

    - Các Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương.

    - Các Ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Long Mạch, Tài Thần, Định Phúc Táo Quân chư vị tôn thần.

    - Các Thần Linh cai quản ở trong khu vực này.

    Hôm nay là ngày... tháng giêng năm... Tín chủ con là... sinh niên… Hiện ngụ tại… Thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, các thứ cúng dâng bày ra trước án. Vì tín chủ con có xây cất (hoặc “thuê được”) 1 ngôi hàng ở tại xứ này là… (ghi địa chỉ nơi đó, còn nếu là cơ quan công xưởng thì khấn là “Tín chủ con là giám đốc hay thủ trưởng, cùng toàn thể nhân viên công ty") nay muốn khai trương khởi đầu việc kinh doanh (hoặc sản xuất) phục vụ nhân sinh, mại mãi tài vật giúp cho sinh hoạt.

    Do đó, chúng con chọn được ngày lành tháng tốt sắm sanh lễ vật, cáo yết Tôn Thần, dâng cúng Bách Linh, cúi mong soi xét.

    Chúng con kính mời Quan Đương Niên, Quan Đương Cảnh, Quan Thần Linh Thổ Địa, Định Phúc Táo Quân, cùng các Ngài Địa Chúa Long Mạch và tất cả Thần Linh cai quản ở trong khu vực này.

    Cúi xin thương xót tín chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật, độ cho chúng con buôn bán hanh thông, làm ăn thuận lợi, lộc tài vượng tiến, nhân sự bình an.

    Bốn mùa không hạn ách tai ương, tám tiết có điềm lành tiếp ứng, cầu gì cũng được, nguyện gì cũng thành.

    Tín chủ lại mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ, cùng chư Hương Linh y thảo phụ mộc phảng phất ở trong khu vực này, xin hãy tới đây chiêm ngưỡng Tôn Thần, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ vận đáo hanh xương, tài lộc như gió mây tập hội.

    Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

    Cẩn cáo!

    3. Những lưu ý khi tiến hành cúng khai trương đầu năm:

    Khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, chọn được ngày lành, giờ tốt và có được bài cúng mở hàng đầu năm thì bạn có thể tiến hành lễ cúng theo các bước sau đây:

    - Trước tiên, bạn bày lễ vật lên ban thờ hoặc nếu không có ban thờ thì bạn chuẩn bị 1 chiếc bàn sạch và bày mâm lễ lên trên rồi đặt ở vị trí trang trọng nhất trong công ty, doanh nghiệp...

    - Tiếp đến, khi tới giờ đẹp, bạn châm đèn cầy và 3 nén nhang rồi khấn 3 vái, cắm hương và bắt đầu đọc bài văn khấn mở hàng đầu năm.

    - Lưu ý, nên đọc to, rõ ràng. Sau khi hết tuần nhang (hoặc có nhiều nơi quan niệm là hết 2/3 nén nhang) thì bạn vái tạ thần linh 3 vái rồi lấy đồ vàng mã đi hóa để kết thúc lễ cúng khai trương đầu năm.

     Cuối cùng, nếu đã chọn được người mua hàng hợp tuổi thì bạn có thể bán mở hàng cho họ hoặc nếu không phải là các doanh nghiệp buôn bán thì bạn có thể vận hành máy móc... để coi như bắt đầu một năm làm ăn mới.

    - Nếu không có ban thờ thì mâm lễ cúng khai trương nên được đặt ở ngoài sân hoặc trước cửa chính của công ty.

    - Hướng đặt như thế nào còn tùy thuộc vào tuổi của chủ doanh nghiệp, cửa hàng.

    - Trước khi tiến hành lễ cúng khai trương đầu năm, bạn nên liệt kê danh sách các món đồ lễ cần mua để tránh thiếu sót.

    - Ăn mặc chỉnh tề, nghiêm trang khi thực hiện lễ cúng. Nên viết (hoặc in) bài văn cúng ra giấy, sau khi cúng xong thì hóa luôn tờ giấy này cùng với vàng mã.

    Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về cách cúng khai trương đầu năm. Hi vọng rằng bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất cho lễ cúng này để mang về may mắn, suôn sẻ và có được một sự khởi đầu tốt lành cho năm mới. Chúc bạn thành công!

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    0
    Zalo
    Hotline