Sản phẩm

Tìm hiểu về tập tục cúng Ông Táo của người dân Việt Nam vào dịp Tết âm lịch

Trong văn hoá của người Việt ta, ông Táo là vị thần trong bếp quen thuộc trong đời sống tâm linh của nhiều người. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người người nhà nhà hay mua đồ cúng Ông Táo về trời với hy vọng phù hộ cho một năm bình an. Vậy vì sao phải cúng Ông Táo? Cúng ông Táo nên cúng gì? Khi cúng nên đọc bài khấn như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé

Tục cúng ông Táo là gì? Bắt nguồn từ đâu?

Cúng ông Táo (ông Công) là một tục lệ rất lâu đời ở Việt Nam và được lưu truyền thành nhiều câu chuyện khác nhau. Theo một vài điển tích, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong gia đình, còn Táo Quân là vị thần trong bếp gồm Táo Bà và hai Táo Ông.

Ông Công hay ông Táo được vị thần trên trời (gọi là ông Trời) cử xuống trần gian theo dõi và ghi lại cuộc sống hàng ngày của gia đình, những việc làm thiện - ác hay những sự kiện trong năm. Đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, ông Công và Táo quân sẽ cưỡi cá chép quay về Trời, báo cáo mọi việc với Thiên Đình, kể cả việc tốt hay chưa tốt trong một năm qua để định đoạt công, tội.a

Vì thế, trong quan niệm của hầu hết người Việt, ông Công và các vị Táo quân (hay Vua Bếp) là vị thần định đoạt phước đức của gia đình.

Xuất phát từ tín ngưỡng đó, lễ đưa ông Công, ông Táo về trời luôn được tiến hành kỹ lưỡng với các lễ vật cúng riêng. Lễ cúng thường được tiến hành vào trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Theo nhiều sách vở, thời gian cúng Táo Quân có thể bắt đầu từ ngày 21 âm lịch và kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp hàng năm vì sau đó, các thần sẽ tập trung về trời.

Nên cúng ông Công, ông Táo lễ vật gì?

Để mâm cúng được trang trọng và lịch sự hơn, những lễ vật cúng ông Công, ông Táo truyền thống có thể kể đến:

  • Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: Trong đó bao gồm 2 mũ cho đàn ông và 1 mũ cho đàn bà. Của Ông Táo thì mũ có hai cánh chuồn, mũ của Bà Táo thì không có.

  • Cá chép: Có thể nói, cá chép gắn liền với hành trình về chầu trời của ông Công, Ông Táo. Tuỳ từng vùng sẽ sử dụng cá chép thật hay cá chép giấy. Ở miền Bắc sẽ chuộng dùng cá chép sống mang theo ý nghĩa "cá chép hoá rồng". Còn ở miền Nam thường dùng cá chép giấy cho tiện việc thờ cúng và dọn dẹp.
  • Tiền vàng
  • Áo giấy
  • Đôi hài bằng giấy

Trên hết, màu sắc của áo, mũ và giày được thay đổi theo từng năm, phụ thuộc vào màu sắc ngũ hành như sau:

  • Năm hành kim sẽ chọn màu vàng
  • Năm hành mộc sẽ chọn màu trắng
  • Năm hành thuỷ sẽ chọn màu xanh
  • Năm hành hoả sẽ chọn màu đỏ
  • Năm hành thổ sẽ chọn màu đen

Đặc biệt, những gia đình có trẻ con thường cúng thêm một con gà luộc, gà phải thuộc gà mới tập gáy (gà mới lớn) nhằm mục đích nhờ Táo Quân xin với ông Trời cho đứa trẻ sau này lớn lên khí phách, thông minh, hiên ngang như con gà cồ.

Ngoài các lễ vật chính cúng ông Táo, ông Công, mọi người còn làm thêm những mâm cỗ để tiễn Táo Quân, cơ bản gồm có:

  • Thịt heo luộc
  • Một con gà
  • Dĩa rau xào
  • Xôi gấc
  • Giò Heo
  • Canh mọc
  • Hành muối
  • Cá chép hay cá lóc nướng
  • Trái cây tươi
  • Trà
  • Rượu
  • Trầu cau
  • Gạo muối
  • Giấy tiền vàng bạc
  • 1 lọ hoa cúc và một lọ hoa đào nhỏ
  • Chả giò

Tuy nhiên, theo thời gian phát triển, mâm cỗ cúng ông Táo, ông Công ngày càng được tối giản và lược đi nhiều món ăn, không bắt buộc phải đầy đủ như những mâm cỗ ngày trước. Tất cả đều phụ thuộc vào tấm lòng, văn hoá vùng miền, điều kiện kinh tế của từng gia đình. Hơn hết, ở 3 miền Bắc-Trung-Nam mâm cúng ông Táo cũng được thay đổi và mang nét đặc trưng riêng.

Khi cúng, cần đặt mâm cỗ ở nơi trang trọng, sạch sẽ, ở vị trí bàn thờ gia tiên để tỏ lòng thành kính.

Nét đặc trưng rõ nhất là người miền Bắc thường cúng ông Táo từ rất sớm, phần lớn đều chuẩn bị từ khoảng 20 tháng Chạp và muộn nhất là trưa ngày 23. Ở miền Bắc đa số dùng cá chép sống làm đồ cúng lễ, đặt cạnh mâm lễ vật, sau khi xong lễ sẽ phóng sinh ở ao hồ, sông suối gần nhà với ý nghĩa cá chép hoá rồng, vượt vũ long môn, đưa ông Táo về trời. Mâm cúng lễ của miền Bắc thường đi theo mâm cúng truyền thống nên đầy đủ các món ăn cùng bộ áo mũ.

Tuy nhiên, miền Trung lại là nơi cúng ông Táo, ông Công cầu kỳ nhất trong 3 miền. Nếu miền Bắc là cúng mũ áo vàng mã thì miền Trung lại dâng lên con ngựa có yên cương đầy đủ, đốt vàng mã cùng nhiều lễ vật khác. Trước khi cúng, người dân sẽ lau dọn bàn thờ, lư hương sao cho sạch sẽ, tươm tất để chuẩn bị cho lễ cúng. Sau khi cúng, gia chủ sẽ tiễn tượng 3 Táo quân cũ bằng đất nung khỏi bàn thờ và đem ra am hay miếu ở trong xóm, hay dưới các gốc cây ở ngã ba đường. Sau đó sẽ rước tượng 3 Táo quân mới đặt lên bàn thờ và chào đón năm mới.

Còn ở miền Nam, tuy bị ảnh hưởng nhiều ở miền Bắc, nhưng cũng có phần lớn người miền Nam sẽ cúng ông Công, ông Táo vào ban đêm, từ 20h-23h ngày 23 tháng Chạp. Nhiều người quan niệm cúng ông Táo nên thực hiện vào cuối ngày, khi gia đình dùng xong bữa tối và ngưng sử dụng bếp núc, không làm phiền đến các Táo thì các ông Táo mới về trời bình an.

Nên cúng Táo Quân vào thời điểm nào thích hợp?

Theo nhiều chuyên gia phong thuỷ, lễ cúng ông Táo nên thực hiện tốt nhất vào trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Sau khi bày lễ, thắp hương và đọc văn khấn, hương tàn sẽ thắp thêm một đợt hương trầm mới, lễ tạ rồi đốt vàng mã... tiếp thả cá chép ra sông suối, ao hồ (nếu có) để chở ông Táo về chầu trời.

Trong đó, khung giờ tốt để cúng ông Công, ông Táo có thể kể đến:

Nếu cúng trước ngày 23 tháng Chạp, nên cúng vào giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Thân (15h-17h) và giờ Dậu (17h-19h). Trong những khung giờ đó, giờ Ngọ là tốt nhất, giúp gia đình gặp nhiều may mắn, tránh nhiều chuyện xui rủi trong gia đình.

Nếu cúng trong ngày 23 tháng Chạp, nên cúng vào giờ Thìn (7h-9h) và giờ Tị (9h-11h). Trong đó tốt nhất là giờ Thìn, thời điểm vàng để làm lễ cúng ông Táo.

Tuy nhiên, theo nhiều quan điểm dân gian, giờ Ngọ (11h-13h) cũng là một khung giờ rất tốt để cúng tiễn ông Táo về trời. THời gian này các thần bếp sẽ quy tụ lại với nhau nên rất linh thiêng, dễ đạt được nhiều may mắn.

Sau khi cúng, nên dọn dẹp sạch sẽ bếp ăn, đợi nhang tàn có thể dùng bếp lại bình thường

Văn tế, khấn, cúng Ông Táo, Ông Công

Trong đời sống tinh thần của người Việt có rất nhiều phong tục tập tục khác nhau xuyên suốt trong năm làm đầy bản sắc văn hoá dân tộc. Trong đó có những bài văn khấn tế trong từng dịp khác nhau. Tuỳ theo từng vùng miền sẽ có bài văn cúng riêng biệt, tuy nhiên, tất cả đều hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Dưới đây là một trong những bài văn khấn tế cổ truyền về bài Tế Táo Quân:

Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, năm thứ........ ngày....., tháng....., năm......, tức là ngày........ tháng...... năm........, tại phường (xã)..... thành phố (huyện)...... tỉnh........

Tín chủ là..........................................................

Hiện ở tại xã (phường).................. huyện (Thành phố).............. tỉnh............

Nhân ngày hăm ba tháng chạp, thành tâm sửa biện hương đèn, phẩm vật, áo mũ, xiêm hài, trầu nước, rượu hoa, đốt nén tâm hương, dâng lên tôn thần các cung bái thỉnh.

Đồng kính mời:

Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm hâm hưởng.

Nay đã cuối đông, hăm ba tháng chạp,

Cứ theo lệ cũ, tôn ngài Vị chủ Ngũ tự gia thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.

Các tội lỗi lầm, vô tình mắc phải. Cúi xin châm chước,

Bảo hộ chở che, tâu với Ngọc Hoàng,

Ban ơn ban phước, gái trai già trẻ.

Khang ninh thịnh vượng

Cẩn cáo.

Văn khấn, cúng, tế rước Táo Quân về nhà

Theo phong tục dân gian, đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch, mọi người sẽ cúng và rước ông Táo về nhà. Nếu những năm không có ngày 30 thì sẽ chuyển lên cúng vào ngày 29 tháng Chạp. Cúng rước Ông Táo thường được thực hiện vào 23h-23h45 đêm giao Thừa, lễ vật cũng tương tự như lễ cúng ông Táo vào ngày 23.

Văn khấn cúng rước ông Táo về nhà

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương

Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật

Con kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần

Con kính lạy ngài cựu niên đương cai Hành khiển: Lưu Vương Hành khiển, Ngũ

Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan.

Con kính lạy ngài đương niên Thiên quan: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn hành binh chi thần, Lý Tào phán quan.

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.

Nay là Phút giao thừa năm .. và ..., chúng con là..., sinh năm..., ngụ tại...

Phút thiêng liêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khai thái, vạn tượng canh tân. Nay ngài Thái tuế tôn thần trên vâng lệnh Thượng đế giám sát vạn dân dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều để khuyết lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc.

Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa vật phẩm, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án. Cúng dâng Phật Thánh dâng hiến Tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cai, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần, Ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương, Ngài bản xứ thần linh Thổ địa, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài thần, các bản gia Táo quân và chư vị thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.

Nguyện ho tín chủ: Minh niên khai thái, trú dạ cát tường. Thời thời giữ được bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.

Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư Phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật (cúi lạy)

Nam mô A di đà Phật (cúi lạy)

Nam mô A di đà Phật (cúi lạy)

Những điều cần lưu ý khi cúng ông Công, ông Táo

Trước khi bắt đầu đọc văn khấn cúng ông Táo, cần phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc kín đáo, nghiêm túc và lịch sự để thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần.

Trong quá trình đọc văn khấn tế, không cười đùa giỡn hớt, thái độ phải nghiêm tục, đọc to, rõ ràng và thành tâm

Do ông Táo không phải là vị thần tài lộc, sung túc nên chỉ xin Táo Quân báo cáo những việc tốt đẹp trong năm.

Không nên đặt mâm cúng trong bếp

Không đặt mâm cúng ở những nơi ẩm thấp, tối tăm, không ánh sáng

Khi cúng cá chép sống, không nên thả cá chép từ trên cao xuống

Có thể nói, Ông Táo hay ông Công là một hình ảnh quen thuộc trong đời sống tâm linh của người Việt ta, cúng ông Táo hay đưa tiễn ông Táo về trời là phong tục truyền thống vào những ngày cuối năm. Hy vọng qua bài viết này, mọi người sẽ hiểu thêm về phong tục cúng ông Táo và những điều lưu ý trong quá trình đọc văn khấn, cúng lễ ông Táo, ông Công để chuẩn bị cho ngày lễ này thật chu đáo. 

CÔNG TY CỔ PHẦN LƯƠNG THỰC PHƯƠNG NAM

Quận 3:  Kho – Cửa hàng:  453/86 Lê Văn Sỹ, Phường 12, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại (zalo): 0909 34 9988 – 0902 58 1717

Quận 10: Showroom – Bán lẻ:  644/4/3 Đường Ba Tháng Hai, P.14, Q.10, TP.HCM

Điện thoại (zalo): 093 110 9395 – 0902 58 1717

TP. Thủ Đức: Điểm bán hàng:  Số 16 Đường 359 (Đỗ Xuân Hợp), KP5, P. Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP. HCM.

Điện thoại (zalo): 076 3736 999 – 0909 34 9988

Email: nongsansachphuongnam@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/phuongnamfood

(Giao hàng Tận nơi – nhanh chóng – chuyên nghiệp)

Bài viết khác

Lý giải những câu hỏi vì sao trong phong tục ngày Tết Việt Nam

Vì sao trong Tết lại kiêng quét nhà? Vì sao chúng ta thường đốt pháo vào ngày Tết? Vì sao có tục đi chùa hái lộc?… Cùng Gạo Phương Nam lý giải những thắc mắc trong phong tục ngày Tết Việt Nam

Tìm hiểu những nét đặc trưng ngày Tết cổ truyền Việt Nam

Trong văn hoá người Việt, Tết Âm Lịch là lễ hội lớn nhất của hầu hết người dân Việt Nam với nhiều lễ hội và hoạt động khác nhau. Vậy, tết Việt có những đặc trưng ngày Tết nào báo hiệu một năm mới sắp đến?

Tìm hiểu về các phong tục ngày Tết của Việt Nam

Khi nói về phong tục ngày Tết, tục thờ cúng là một trong những phong tục đã ăn sâu vào trong văn hoá người Việt hàng ngàn năm nay. Vậy vào dịp Tết có những phong tục nào? có những dịp lễ nào chỉ đặc trưng cho Tết?

Tìm hiểu về lễ hội Phật Đản ở Việt Nam

Lễ hội Phật Đản hay ngày lễ Phật Đản là một trong những nét văn hoá tâm linh rất lớn của nhiều Phật tử. Thường diễn ra vào giữa tháng 4 âm lịch. Vậy đại lễ Phật Đản là gì? Diễn ra vào ngày nào? Cùng tìm hiểu nhé

Tìm hiểu về cội nguồn các lễ hội dân gian ở Việt Nam

Lễ hội dân gian là gì? Lễ hội dân gian Việt Nam hình thành từ khi nào, có những đặc điểm gì và một quy trình của lễ hội dân gian Việt Nam thường sẽ có gì?

Tìm hiểu về ngày 30/4, 1/5 - cội nguồn lịch sử hào hùng của dân tộc

Ngày 30/4 và ngày 1/5 được xem là 2 ngày lễ lớn trong năm được rất nhiều người quan tâm. Vậy ngày 30/4 và ngày 1/5 là ngày gì? Nguồn gốc từ đâu? Cùng tìm hiểu nhé

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng mùng 10 tháng 3

Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày gì? Lễ giỗ tổ Hùng Vương bắt nguồn từ khi nào? Lễ hội Đền Hùng - giỗ tổ Hùng Vương diễn ra như thế nào?

Nước mắm - nét văn hoá nổi bật trong nền ẩm thực Việt Nam

Trong ẩm thực Việt Nam, nước mắm được xem là tinh hoa của ẩm thực. Vậy nước mắm ngon được đánh giá ra sao, nên mua loại nước mắm ngon nào cho bữa cơm gia đình?

Ngày 8/3 là ngày gì? Tìm hiểu về ngày dành riêng cho phụ nữ 8/3 và các lời chúc hay 8/3

Ngày 8/3 là ngày gì? Ý nghĩa của ngày 8/3 và tìm hiểu các lời chúc hay dành cho những người phụ nữ nhân dịp 8/3

Lễ hội Sóc Trăng - Tết Chôl Chnăm Thmây mừng năm mới của người Khmer

Giống như Tết Nguyên Đán của dân tộc Việt Nam, người đồng bào Khmer nói riêng và người dân Sóc Trăng nói chung còn có một dịp mừng năm mới đặc sắc gọi là Tết Chôl Chnăm Thmây