Giá gạo tăng, nông dân không được hưởng: Lỗi từ chính sách!

Đặt và giao hàng tận nơi: 0909 34 99 88

Giá gạo tăng, nông dân không được hưởng: Lỗi từ chính sách!
Ngày đăng: 30/07/2020 01:48 PM

    VOV.VN-Hạn chế xuất hiện cả trong chính sách về sản xuất và chính sách xuất khẩu lúa gạo.

    Báo cáo “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao?” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (IPSARD) và Oxfam thực hiện vừa công bố có đánh giá: Ngay cả khi giá gạo trên thị trường thế giới lên cao, các chính sách nhằm đảm bảo giá bán cho người tiêu dùng cũng không cho phép nông dân hưởng lợi từ giá lên.

    Cố định đất lúa làm hạn chế thu nhập của nông dân

    Ông Trần Công Thắng, Viện IPSARD, Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo này cho biết, thời gian qua, Nhà nước tập trung khá nhiều ưu tiên cho sản xuất lúa và hỗ trợ nông dân trồng lúa. Những chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại góp phần rất lớn cho tăng trưởng của ngành và giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Đơn cử, năm 2012, Việt Nam đạt kỷ lục xuất khẩu 8 triệu tấn gạo và thu về 3,67 tỷ USD.

    Tuy nhiên, theo ông Thắng, chính sách lúa gạo vẫn tồn tại một số vấn đề cần xem xét, đặc biệt là những chính sách can thiệp đến xuất khẩu và điều tiết thị trường. Các chính sách này chưa tập trung tăng hiệu quả xuất khẩu của ngành mà mới chú trọng đảm bảo an ninh lương thực, ổn định thị trường. Mặt khác, nông dân chưa phải là đối tượng chính của một số chính sách.

    Ông Thắng cho hay, hạn chế nằm ở cả chính sách về sản xuất lẫn xuất khẩu. Chẳng hạn, về sản xuất, chính sách cố định đất lúa đang hạn chế sự đa dạng thu nhập của nông dân. Bởi vì Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 (NQ 63) quy định phải giữ 3,8 triệu ha đất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

    Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (2012) và tính toán bổ sung của nhóm nghiên cứu cho thấy, do hiện nay Việt Nam đang xuất khẩu từ 6 đến 7 triệu tấn gạo/năm với mức giá vào loại thấp trên thế giới nên xét về cân đối cung cầu lương thực thì kể cả khi đất lúa giảm xuống 3 triệu ha vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong khi thu nhập từ trồng lúa thấp hơn nhiều so với một số cây rau màu khác chưa kể đến các hệ thống canh tác khác như cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.

    Ngoài ra, nếu tính đến các yếu tố khác như lượng nước sử dụng, mức độ lao động tập trung, mức phát thải carbon… việc cố định đất lúa và điều kiện chuyển đổi khó khăn đang hạn chế khả năng đa dạng hóa sản xuất, nâng cao thu nhập của nông dân.

    Với thực tế này, đến nay, người nông dân không được đảm bảo 30% lợi nhuận từ trồng lúa như Nghị quyết 63 đề ra. Bởi vì, giá thành sản xuất lúa không tính đến tất cả các nhân tố cấu thành như lao động của gia đình, phí thuê đất và lãi suất tiền vay, các chi phí vận chuyển chở lúa đến kho của DN xuất khẩu… Cách tính chi phí này không được nhiều địa phương chấp nhận.

    Hơn nữa, việc áp dụng cùng một mức giá thành sản xuất lúa cho một khu vực là không hợp lý vì các địa bàn khác nhau, các nhóm hộ khác nhau trong cùng một khu vực có rất nhiều điểm khác biệt khiến cho chi phí sản xuất cũng có sự khác biệt lớn. Đồng thời, giá thành phải được đưa ra ngay từ đầu mỗi vụ theo quy định nhưng trên thực tế, Bộ Tài chính thường chậm tính và phổ biến giá này.

    Ví dụ: Vụ Đông Xuân 2010 với mức giá thu mua tại hộ là 4.000 đồng/kg tại ĐBSCL, nông dân dù trồng gạo đặc sản, gạo chất lượng cao hay gạo thông thường đều không thể thu được lợi nhuận ở mức 30%.

    Không những thế, một số chính sách khác còn bộc lộ những điểm chưa phù hợp. Chẳng hạn, hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quy định vay vốn lại yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa phải trên 40% khiến nông dân không muốn vay vì ít máy đạt điều kiện trên. Hoặc, hỗ trợ 500 ngàn đồng/năm cho 1 ha đất lúa là quá ít, chưa đủ mạnh gây động lực. Đồng thời, đây là gánh nặng cho ngân sách quốc gia vì chúng ta có hàng triệu nông hộ nhỏ.

    Mua tạm trữ: Doanh nghiệp lợi hơn nông dân

    Còn về chính sách xuất khẩu, ông Thắng cũng chỉ rõ: Quy định về giá lúa định hướng không đảm bảo lợi ích của nông dân. Bởi giá định hướng quy định cho DN mà DN thường không thu mua trực tiếp từ nông dân mà mua qua thương lái. Đơn cử, chỉ 30% lúa mà các DN xuất khẩu gạo ở An Giang thu mua trực tiếp từ người trồng lúa trong năm 2012. Đó là lý do tại sao các DN xuất khẩu không quan tâm đến giá của thương lái mua từ nông dân.

    Ông Andy Baker, Trưởng đại diện Oxtam tại Việt Nam:

    “Để phát triển sản xuất lúa gạo bền vững, hiệu quả và công bằng cho Việt Nam, các chính sách cần phải thay đổi để tăng thêm lợi ích cho người nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Các chính sách về việc trồng và xuất khẩu lúa gạo cần tập trung vào người nông dân, để họ nhận được đầy đủ hỗ trợ của nhà nước. Điều quan trọng nhất là để nông dân được cất lên tiếng nói về những trăn trở và những hỗ trợ họ thực sự cần.”

    Đặc biệt, dù chủ trương thu mua tạm trữ là khá hợp lý, nhưng người nông dân không được lợi nhiều từ chính sách này. Vì những chính sách này được ban hành vào lúc mức giá rất thấp. Sau khi ban hành chính sách và sau thời hạn tạm trữ, giá lúa có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, việc thực hiện thu mua tạm trữ lại thông qua việc các DN xuất khẩu được vay không lãi suất trong thời hạn từ 3 đến 4 tháng.

    Vì vậy, các chính sách này lại không mang lại hiệu quả cho người trồng lúa do: Nhà nước trợ cấp qua ngân hàng để cho DN vay ưu đãi nhưng khó có thể kiểm soát được thời điểm và khối lượng thu mua tạm trữ của DN xuất khẩu. Không có cơ chế giám sát và đánh giá kết quả của chính sách. Hơn nữa, DN xuất khẩu chỉ mua gạo trong khi nông dân phải bán lúa, thường là bán tại ruộng nên không bán được trực tiếp cho DN mà phải bán qua trung gian thương lái.

    Vì thế, giá mua từ nông dân thường không bám sát mức tăng từ giá của DN. Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch lúa tương đối khác nhau theo mùa vụ giữa các địa phương trong khi thời gian áp dụng chính sách lại giữ cố định nên không hợp lý.

    Ngoài ra, DN thu mua phải có khả năng dự trữ trong khi nhiều DN xuất khẩu không có hệ thống kho tàng đủ tốt.

    Do những hạn chế kể trên nên chính sách thu mua chủ yếu tạo nên tác động tâm lý và đem lại lợi ích cho các DN xuất khẩu gạo được hỗ trợ mà không mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.

    Bên cạnh những hạn chế nêu trên, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, chính sách đối với xuất khẩu lúa gạo còn chưa hoàn thiện và ưu đãi cho các DN nhà nước; Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) có vai trò quá lớn điều hành xuất khẩu gạo; Chưa có sự tham gia của người trồng lúa vào việc ban hành các chính sách xuất khẩu gạo./.

     

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    0
    Zalo
    Hotline