Tìm hiểu những điều thú vị về phong tục cúng cô hồn vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm

Đặt và giao hàng tận nơi: 0909 34 99 88

Tìm hiểu những điều thú vị về phong tục cúng cô hồn vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm
Ngày đăng: 20/07/2022 09:17 AM

    Từ thời xa xưa, cúng cô hồn là một trong những hoạt động tâm linh tương đối phổ biến tại Việt Nam. Cứ đến tháng 7 âm lịch hàng năm, mọi người thường hay bày một mâm cúng đến những vong linh lang thang cõi trần để cầu bình an cho gia đạo. Vậy tục cúng cô hồn xuất phát từ đâu? Có từ bao giờ? Việc cúng cô hồn mang lại ý nghĩa như thế nào? Đặc biệt, khi cúng cô hồn, mâm cúng sẽ có gì? Cùng tìm hiểu rõ hơn về bài viết này nhé.

    Truyền thuyết dân gian về phong tục cúng cô hồn

    Tục cúng cô hồn tại Việt Nam

    Theo tín ngưỡng từ rất lâu về trước, tháng 7 âm lịch hàng năm được gọi là tháng cô hồn hay tháng của ma quỷ. Vào thời gian này trong năm, người người nhà nhà thường hay truyền tai nhau về những điều cấm kỵ hay kiêng cử để hạn chế những vận xui xẻo. Tuy nhiên, một điều ít ai biết, lễ cúng cô hồn có nguồn gốc từ Trung Hoa, dần dần mới lan rộng ra nhiều nước ở phương Đông. Vào thời cổ đại, việc cúng "rằm tháng bảy" vốn là lễ cúng tổ tiên của người Trung Quốc, xuất phát từ Đạo giáo thời hậu Đông Hán. Trong đó, tiết Trung Nguyên bắt đầu từ mùng 2 tháng 7 âm lịch (ngày mở cửa quỷ môn quan) đến ngày 30 tháng 7 âm lịch (ngày "đóng cửa quỷ môn"). Tuy nhiên, về sau, lại có người cho rằng, ngày đóng cửa quỷ môn lại rơi vào rằm tháng 7 âm lịch.

    Để hiểu rõ hơn về cô hồn, phải tìm hiểu từ tích cổ Trung Hoa, truyền thuyết dân gian cho rằng, vào ngày 2/7 âm lịch, Diêm Vương ra lệnh mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ có thể trở về cõi trần, đến rằm thì trở về và cửa địa ngục sẽ đóng lại. Trong Phật giáo, có 2 truyền thuyết kể về sự tích của tháng cô hồn.

    Chuyện kể rằng ngày trước, quỷ thường hay lên trần gian quấy phá, trêu trọc người sống, khiến họ không thể làm ăn, không thể vui vẻ. Con người khổ quá, bèn cầu cứu đức Phật. Đức Phật lắng nghe lời thỉnh cầu, giúp con người bắt và trục quỷ, đày chúng xuống địa ngục. Thế nhưng vì lòng từ bi, ngài cho thời gian để ma, quỷ quay về cõi trần mỗi năm một lần vào rằm tháng bảy.

    Một câu chuyện khác kể rằng, đại để tử của đức Phật là Đức A Nan Đà trong một buổi tối tu hành trong tịnh thì thấy một Ngạ quỷ người gầy héo, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, Ngạ quỷ nói rằng trong 3 ngày tới, A Nan Đà sẽ chết và trở thành quỷ như nó, làm quỷ miệng lửa. Quỷ còn nói thêm: "Nếu muốn tránh kiếp nạn này thì phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tối mỗi đứa đồ ăn, và cúng dường Tam Bảo, để chúng tôi được tái sinh một kiếp người khác, ông cũng được tăng thọ và tích thêm phúc đức." Sau hôm đó, A Nan Đà đã đi gặp Đức Phật, được Phật truyền cho bài chú "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni", đem tụng trong lễ cúng. Theo lời báo của quỷ miệng lửa, A Nan Đà đã làm theo, cúng quỷ đói và đọc bài chú do Đức Phật truyền dạy, thoát khỏi kiếp nạn của mình.

    Trong Phật Giáo, Ngạ Quỷ là một dạng tái sinh của con người sau khi chết. Nếu sống làm nhiều việc tốt, khi chết đi sẽ được đầu thai kiếp khác làm người. Ngược lại, khi làm điều xấu, tuỳ theo mức độ sẽ bị đày xuống địa ngục, nhẹ nhất là bị đày làm Ngạ quỷ.

    Do đó, cứ vào tháng 7 âm lịch, ma quỷ, vong linh được thả về dương gian nên phải cúng cháo, gạo, muối hối lộ để chúng không quậy phá cuộc sống bình thường của người trần. Ngoài ra, nhằm tránh bị quấy nhiễu, dịp này được xem là thời gian ban phước lành, giúp đỡ những linh hồn lạc lối, không nơi nương tựa có một ngày được mọi người tưởng nhớ, biết đến. Vì vậy, đến tháng 7 âm lịch hàng năm, mọi người thường hay gọi là tháng cô hồn.

    Có thể bạn quan tâm: Nguồn gốc của tháng cô hồn

    Ý nghĩa của phong tục cúng cô hồn

    Như đã biết, phong tục cúng cô hồn bắt nguồn từ Trung Quốc và được người dân gọi là "Phóng diệm khẩu" tức là cúng để cho và cầu nguyện cho quỷ miệng lửa, ngạ quỷ, quỷ đói. Nhưng qua nhiều lần truyền miệng nhiều thế hệ khác nhau, lễ cúng này được hiểu rộng hơn và được biết qua tên là "cúng cô hồn". Việc cúng kiếng này còn cúng thí cho những vong hồn lang thang, không còn gia đình hay không còn người thân trên trần gian cúng bái.

    Cúng cô hồn là một nét văn hoá dân gian mang đậm tính nhân văn, nhân đạo. Người dân tin rằng vào thời gian này, những linh hồn bơ vơ, cô độc không được ai thờ cúng hay nhớ đến sẽ được "ăn uống" và tưởng nhớ. Đặc biệt, vào dịp này nhà nhà, người người sẽ lập đàn làm lễ cầu siêu cho các vong linh trên dương gian sẽ có cơ hội được siêu thoát, đầu thai một cuộc đời mới. Điều này giúp những người đã khuất không tên không tuổi cảm thấy được an ủi, có một dịp để họ được nhớ về.

    Tục cúng cô hồn vào rằm tháng 7 ở Việt Nam

    Nên cúng cô hồn vào ngày nào?

    Mặc dù tháng 7 âm lịch được xem là tháng cô hồn nhưng trên thực tế, chỉ có một vài ngày được xem là ngày cúng cô hồn. Cụ thể, trong cái điển tích xưa, vào ngày 2/7 âm lịch, Diêm Vương sẽ mở cửa Quỷ Môn Quan để người khuất trở về dương thế. Theo như nhiều lời truyền miệng, có thể cúng cô hồn vào bất kỳ ngày nào trong tháng, ngày cúng sẽ phụ thuộc vào thời gian của từng gia đình hay tục lệ riêng của nhiều vùng khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến sẽ vào 2 ngày: mùng 2, 16 tháng 7 âm lịch. Đặc biệt, các nơi kinh doanh, những tài xế lái xe nên cúng cô hồn vào mùng 2 hay 16 để công việc được suôn sẻ, đi đường bình an.

    Thời gian cúng cô hồn thường được chọn vào buổi chiều hoặc tối, đặc biệt vào giờ Dậu (5 - 7 giờ chiều). Người ta tin rằng, các linh hồn rất yếu ớt, không thể chống chọi với ánh nắng mặt trời. Theo thuyết ngũ hành âm dương, giờ Dậu là thời khắc giao thoa giữa sáng và tối, lằn ranh giữa ngày và đêm nên các cô hồn mới ăn uống được. Còn ban ngày, năng lượng từ mặt trời sẽ làm các vong linh bị tổn thương, hồn xiêu phách tán, không thể thụ hưởng được lễ vật mà người trần ban cho.

    Một điều cần lưu ý là khi tổ chức lễ cúng cô hồn, không được bày mâm cúng trong nhà, chỉ được làm ngoài trời, trước cửa nhà, ngã ba, vỉa hè,... Theo quan niệm người xưa, việc cúng trong nhà sẽ khiến cô hồn bước vào nhà, nếu hợp mạng sẽ ở lại trong nhà, mang nhiều điềm xấu đến gia chủ.

    Phong tục cúng cô hồn vào tháng 7 âm lịch

    Mâm cúng cô hồn bao gồm có gì?

    Trong quan niệm của nhiều người, thờ cúng là một hình thức tâm linh rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Tuy nhiên, không có một công thức hay một quy định riêng nào cho việc thờ cúng, mọi thứ đều phụ thuộc vào nơi sinh sống, điều kiện gia đình. Khi chuẩn bị mâm cúng cô hồn, có thể tham khảo những lễ vật sau:

    Mâm cúng cô hồn bao gồm có gì

    Ngoài ra, ở một số nơi, một số vùng miền, mâm cúng cô hồn có thể thay đổi thành nhiều món khác nhau. Tất cả đồ cúng nên được bày trong một cái nia hoặc mâm lớn và có thể thay đổi tuỳ vào điều kiện gia đình. Sau khi cúng xong, nên rải dĩa gạo muối trước cửa nhà và rắc sang 4 phương 8 hướng, vừa tung vừa niệm: “A di đà Phật, điều lành đem tới, điều dữ đem đi. A di đà Phật.” và nên rắc gạo trước và rắc muối sau. Vì theo quan niệm dân gian, rải gạo nhằm cho quỷ đói ăn và rắc muối để đuổi chúng đi. Tuy nhiên, dù mâm cúng ra sao, nên có đầy đủ: nến, nhang, trái cây, cháo loãng, dĩa gạo muối, bánh kẹo, vàng mã.

    Bài viết trên đã giới thiệu thêm về những điều thú vị về tín ngưỡng dân gian - tục cúng cô hồn. Trên hết, những thông tin trên chỉ mang tính tham khảo vì mọi thứ đều chưa được kiểm chứng rõ ràng, chỉ là một hình thức tâm linh trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Việc cúng cô hồn hay vong linh lang thang thường tuỳ thuộc vào cái tâm và điều kiện kinh tế, tất cả đều phụ thuộc vào tín ngưỡng và lòng tin ở mỗi người. Hy vọng qua bài viết bạn sẽ có những hiểu biết hơn về phong tục dân gian cúng cô hồn của dân tộc ta.

     

    CÔNG TY CỔ PHẦN LƯƠNG THỰC PHƯƠNG NAM

    Tờ rơi Phương Nam 2023

    (Giao hàng Tận nơi – nhanh chóng – chuyên nghiệp)

    Chia sẻ:
    0
    Zalo
    Hotline