Giới thiệu gạo thơm Sóc Trăng ST20, ST5 của người Kỹ sư với 20 năm nghiên cứu giống lúa mới giúp lúa gạo Việt Nam nổi danh trên toàn thế giới, ông là Hồ Quang Cua, P. GĐ Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng.
XÂY DỰNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ GẠO THƠM SÓC TRĂNG-TIỀN ĐỀ
ĐỂ CÁC DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU GẠO
Kỹ sư Hồ Quang Cua
I. GIỚI THIỆU
Vùng Nam sông Hậu nối liền bán đảo Cà Mau khi xưa đã nổi tiếng với đồng lúa ngút ngàn, truyền thuyết về các công tử và chất lượng gạo. Vì vậy, chỉ hai năm sau khi Việt Nam tái xuất khẩu gạo (1991), hai chuyên gia hàng đầu về lúa gạo là Giáo sư Võ Tòng Xuân và Giáo sư Nguyễn Văn Luật đã khởi động nghiên cứu phát triển gạo thơm, gạo ngon tại Sóc Trăng. Báo cáo “Xây dựng chỉ dẫn địa lý gạo thơm Sóc Trăng – tiền đề để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo” được bắt đầu từ ý tưởng đó.
Đối với một cán bộ chỉ đạo sản xuất ở huyện như chúng tôi lúc đó, việc mày mò để xác định, cách làm hướng đi cần một thời gian dài vì thiếu thông tin, hiểu biết ban đầu kém, đổi vị trí công tác,…Nhìn lại, có thể phân định qua 3 giai đoạn sau:
1. Từ năm 1991-1997: Sưu tầm giống, phối hợp tổ chức thí nghiệm so sánh năng suất phẩm chất giữa các giống lúa thơm quang cảm với Viện Nghiên Cứu Phát Triển Hệ Thống Canh Tác – Trường Đại Học Cần Thơ để chọn và phát triển dòng ưu tú nhất (giai đoạn này chúng tôi chọn được Khao Dawk Mali 105)
2. Từ năm 1997-2002: Phát triển những giống lúa thơm không quang cảm do sưu tập, du nhập nguồn gen hoặc do chọn lọc từ biến dị; kết quả là chúng tôi chọn được Tsengtao, VĐ20, ST1, ST2, ST3.
3. Từ năm 2002-2007: Tổ chức sưu tập, lai tạo, chọn lọc có định hướng; đến nay chúng tôi đã phóng thích hoặc đưa ra khảo nghiệm sản xuất các giống ST3 ĐỎ, ST5, ST8, ST10, ST12, ST13, ST14, ST15, ST16.
Trong suốt quá trình dài đó, làm thế nào có thể xây dựng tỉnh nhà Sóc Trăng trở thành một chỉ dẫn địa lý? Thật ra chúng tôi không đủ tầm để hoạch định một chiến lược dài hơi như vậy. Chúng tôi bước vào mày mò làm và sau 16 năm có thể có hệ thống lại như sau:
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ SÓC TRĂNG
1. Xây dựng tiêu chí về phẩm chất để chọn giống lúa thơm
Xuất phát từ các thực nghiệm về sự biến đổi phẩm chất gạo qua thời gian tồn trữ, chúng tôi thấy nhất thiết cần phải xây dựng một tiêu chí về phẩm chất để chọn giống và chúng tôi đã mượn tiêu chuẩn BE.2541 của Thái Lan vì trong nước không có tiêu chuẩn về gạo thơm cao cấp. Sở dĩ chúng tôi cần có một tiêu chí vì sẽ như đi biển mà không có la bàn nếu thiếu tiêu chí. Các trường hợp dễ dãi (thơm nhẹ, có hàm lượng amylose cấp trung bình đều không cho lúa gạo có giá trị cao). Qua tiêu chí này, chúng tôi loại hầu hết các giống Lúa Thơm Mùa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long vì đều có hàm lượng amylose trung bình (tồn trữ ba tháng cơm đã khô).
Kỹ sư Hồ Quang Cua. Ảnh: HỮU ĐỨC
2. Đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ nghiên cứu
Để có thể tiếp cận trình độ thế giới, chúng tôi đưa cán bộ nghiên cứu đi đào tạo nâng cao (thạc sỹ, tiến sỹ) về chuyên môn, về quản lý đề tài dự án, cán bộ khuyến nông được bồi dưỡng hiểu biết về cây lúa thơm, tổ chức huấn luyện tại chỗ đội ngũ kỹ thuật viên làm trợ lý nghiên cứu; cho nên việc lai tạo ra giống lúa thơm mới, việc ứng dụng công nghệ hạt giống để duy trì phẩm chất được thực hiện một cách nhẹ nhàng và có kết quả tốt.
3. Đưa mục tiêu phát triển lúa thơm vào chủ trương đầu tư phát triển của Tỉnh nhà.
Từ cuối năm 1993, Chủ Tịch Tỉnh Sóc Trăng đã dùng vốn ngân sách để dự trữ 600 tấn giống lúa thơm KDM105. Sau này các chương trình giống và chuyển dịch cơ cấu (từ ngân sách trung ương đầu tư cho tỉnh), Dự án Danida, Dự án Nâng Cao Đời Sống Nông Thôn, Dự án Nâng Cao Chất Lượng Cây Trồng Vật Nuôi do CIDA-CANADA đều có hỗ trợ phát triển lúa thơm tại tỉnh nhà nên chi phí cho công tác lai tạo chọn lọc được đầu tư thỏa đáng, công nghệ hạt giống lúa thơm phát triển, các vùng được qui hoạch, hỗ trợ lên đến hàng ngàn ha cho từng khu vực.
4. Triển khai huấn luyện nông dân nòng cốt.
Song song với việc phóng thích giống, việc nghiên cứu xây dựng và triển khai các qui trình sản xuất riêng cho từng giống được tổ chức rộng khắp. Hiện nay chúng tôi đang triển khai qui trình sản xuất theo hướng GAP để tiếp tục nâng cao giá trị lúa gạo.
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu trên thế giới và qua thực nghiệm, chúng tôi xác định vùng có ưu thế về chất lượng phải là vùng có đất cát, hoặc đất phải được phơi ải ít ra là 2 tháng/năm. Vì vậy những vùng trũng hoặc vùng 3 vụ lúa/năm, chúng tôi không bố trí các chương trình dự án hỗ trợ nông dân hoặc khuyến cáo nông dân không nên trồng lúa thơm.
5. Công tác tiếp thị
Là công đoạn cuối cùng, công đoạn quan trọng nhất để nâng cao giá trị hạt gạo, nâng cao thu nhập của nông dân. Giá lúa tại ruộng lúc cận Tết Nguyên Đán vừa qua là 3.680 đ/kg cho thấy hiệu quả của việc đưa lúa thơm vào tâm thức của doanh nghiệp, của người tiêu dùng như thế nào? Ngay từ vụ thu hoạch đầu (cuối năm 1991), những bữa cơm cho các đoàn khách đã được chúng tôi liên tục chiêu đãi, những cuộc thi “Cơm Nào Ngon Hơn”, “Xây Dựng Thương Hiệu Việt”, những cuộc triển lãm, hội chợ được tham gia thường xuyên. Từ sau cuộc khủng hoảng giá lúa gạo (cuối quý I đầu quý II năm 2001), chúng tôi được hân hạnh tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp lúa gạo (dân doanh lẫn quốc doanh) đến tìm một cơ hội kinh doanh mới nên có dịp quảng bá thêm hình ảnh “Gạo thơm Sóc Trăng”. Vụ mùa năm 2002, thông qua Công ty Thuốc Trừ Sâu Sài Gòn, 20 tấn giống ST3 đã được trình diễn ở Đồng Bằng Bắc Bộ. Cũng trong năm này, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ Tướng Nguyễn Công Tạn, hàng chục tỉnh ở Trung Bộ và Bắc Bộ đã triển khai lúa thơm ST. Qua giới thiệu của lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo cấp Bộ từ cấp Cục, Vụ đến Thứ Trưởng, Bộ Trưởng đều có đến thăm đồng lúa Sóc Trăng và các ý kiến chỉ đạo, biểu dương được phát biểu trong rất nhiều cuộc hội nghị.
Các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh truyền hình cũng góp phần to lớn trong việc quảng bá hình ảnh lúa thơm đối với công chúng.
Tóm lại, công tác marketing “Gạo Thơm Sóc Trăng” đã được cộng đồng xã hội tham gia hết sức rộng rãi với một mong muốn tạo dựng một tiếng thơm không chỉ riêng cho Sóc Trăng, tạo dựng một sự chuyển biến đời sống nông dân với một cách thế đơn giản: chuyển dịch nhận thức về cây lúa thơm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nội tại giống lúa để XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO, GIA TĂNG THU NHẬP NÔNG DÂN.
III. KẾT QUẢ
Nhờ vào:
– Chỉ dẫn bảo ban ở giới khoa học đầu đàn;
– Quyết tâm, kiên trì ở bộ phận khởi xướng;
– Chia sẻ rủi ro để tìm cơ hội đổi đời ở bộ phân nông dân tiên phong;
– Lặn lội tìm cơ hội kinh doanh ở giới doanh nghiệp;
– Ủng hộ chu cấp kinh phí ở giới lãnh đạo địa phương;
– Động viên khích lệ ở cấp Bộ, Chính Phủ, Nhà Nước;
– Thông tin tuyên truyền mạnh mẽ của giới truyền thông.
Đã giúp cho chúng tôi xây dựng tỉnh nghèo Sóc Trăng trở thành một chỉ dẫn địa lý để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo thơm với hơn một vạn ha trong vụ Mùa và Đông Xuân này. Nông dân khi nghĩ tới lúa thơm ST đều mường tượng ra đồng lúa chỗ thì thướt tha ẻo lả, chỗ thì sừng sửng giữa gió mưa nhưng tất cả đều trĩu hạt khi tới mùa lúa chín. Các doanh nghiệp khi nói đến Sóc Trăng đều nghĩ đến một loại gạo thơm có cơm mềm kéo dài sau thu hoạch, đều biết đến những giống lúa hạt dài rất khó pha trộn và người tiêu dùng thì tìm đến gian hàng của Sóc Trăng mỗi khi hội chợ. Vậy thì còn chờ gì nữa, các doanh nghiệp hãy đến Sóc Trăng và xây dựng một Thương Hiệu riêng cho mình.