Bàn về việc giảm diện tích trồng lúa ở vùng ĐBSCL và tăng giá trị hạt gạo của Việt Nam

Đặt và giao hàng tận nơi: 0909 34 99 88

Bàn về việc giảm diện tích trồng lúa ở vùng ĐBSCL và tăng giá trị hạt gạo của Việt Nam
Ngày đăng: 26/08/2022 01:44 PM

    GS Võ Tòng Xuân khẳng định, cần cân nhắc việc giảm diện tích lúa ĐBSCL, đồng thời tìm giải pháp nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa.

    Cân nhắc giảm diện tích lúa, đừng để người dân nghèo hoài

    Để có thêm ý kiến cũng như thông tin đa chiều về việc giữ hay giảm diện tích lúa ĐBSCL, phóng viên Dân Việt đã gặp, trao đổi với GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về cây lúa.

     Theo GS Võ Tòng Xuân, dứt khoát phải giảm diện tích lúa

    Theo GS Võ Tòng Xuân, dứt khoát phải giảm diện tích lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

    Theo đó, GS Võ Tòng Xuân khẳng định "phải giảm diện tích lúa ĐBSCL". Những nơi giảm diện tích lúa là vùng canh tác không hiệu quả, vùng tốn kém về nước (thường xuyên thiếu hụt nguồn nước ngọt - PV), lợi nhuận mà nông dân thu về từ gạo không bằng cây ăn trái, thủy sản.

    Riêng những diện tích thích nghi với cây lúa, theo GS Võ Tòng Xuân, nên giữ lại và tập trung đầu tư vào đây mới tăng lợi tức cho nông dân được. Do những nơi này nguồn nước đủ, dễ trồng và chăm sóc nên ít tốn kém phân, thuốc hóa học.

    Theo GS Võ Tòng Xuân, việc giảm diện tích lúa này đã được nhiều chuyên gia và cơ quan chức năng tính toán rất kỹ khi nhiều nước trên thế giới đã trồng được lúa và có nhiều gạo xuất khẩu. Cụ thể, như Ấn Độ tung ra lượng lớn gạo giá rẻ sẽ kéo giá gạo Việt Nam và cả Thái Lan đều giảm. Hơn nữa, trong chuỗi giá trị hạt gạo, có trường hợp lợi nhuận của người dân đã rơi vào phần nhiều là doanh nghiệp xuất khẩu gạo, những bộ phận trung gian.

     Cánh đồng lúa

    GS Võ Tòng Xuân, phải giảm diện tích lúa ĐBSCL để hạn chế tình trạng, nông dân cứ nai lưng ra làm ở vùng trồng kém hiệu quả, đến khi thu hoạch không có lời, dẫn đến nghèo hoài. Trong ảnh, lúa của một hộ dân ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh bị thiệt hại nặng do khô hạn khốc liệt năm 2016. Ảnh: Huỳnh Xây

    GS Võ Tòng Xuân dẫn chứng, tỉnh An Giang có diện tích lúa rất lớn, năng suất đạt cao và lượng gạo xuất khẩu đóng góp rất nhiều trong thời gian dài nhưng người dân thu nhập rất thấp, ảnh hưởng đến kinh tế chung của toàn tỉnh. "Tôi biết có ông nông dân trồng hàng trăm ha lúa cũng không giàu, đã phải chuyển sang lĩnh vực khác" - GS Võ Tòng Xuân thông tin.

    Chuyên gia hàng đầu về cây lúa nhấn mạnh, nếu giữ diện tích lúa, đặc biệt là vùng trồng kém hiệu quả thì lợi tức nông dân sẽ không cao, nước ta có tiếng là nơi xuất khẩu gạo nhưng nông dân cứ nghèo hoài, điều này đã chứng minh đã hơn 40 năm qua rồi. Nông dân cứ nai lưng ra làm, bỏ tiền ra mua phân bón, thuốc trừ sâu giá cao khi thu hoạch bán với giá thấp, không có lời hoặc lời rất thấp, dẫn đến nghèo hoài.

    Giảm diện tích lúa nhưng phải tăng được giá trị

    Liên quan đến việc giữ hay giảm diện tích lúa ĐBSCL, TS. Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của ĐBSCL thông tin với phóng viên Dân Việt, việc này cần phải nhìn một cách toàn diện, giảm diện tích lúa nhưng phải làm tăng giá trị, tức là phải làm tăng thu nhập cho người dân mới là câu chuyện đáng quan tâm.

     Nên tăng hay giữ sản lượng lúa gạo đbscl

    TS. Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của ĐBSCL cho hay, việc giảm diện tích lúa ĐBSCL phải làm tăng giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Đây mới là câu chuyện đáng quan tâm. Ảnh: Huỳnh Xây

    "Giảm diện tích lúa phải làm tăng giá trị lên ở diện tích nhỏ, nếu giảm mà không tăng giá trị thì không có ích gì cả. Đây là điều mà nông dân không ai mong đợi" - TS. Trần Hữu Hiệp nói.

    Theo TS. Trần Hữu Hiệp, nếu nói giảm diện tích lúa ở ĐBSCL thôi thì cũng chưa có lời giải mà phải tính toán được là giảm ở đâu. "Không làm lúa đại trà, dàn trải và trồng khắp mọi nơi. Ở những vùng không có lợi thế trồng lúa nên chuyển sang nuôi thủy sản hoặc ngành nghề khác. Cụ thể như vùng ven biển, không trồng lúa bằng mọi giá. Mặc dù lúa thích ứng được với hạn mặn nhưng năng suất không cao, chi phí sản xuất nhiều".

    Còn những vùng đất có lợi thế, TS.Trần Hữu Hiệp khuyên nên tập trung trồng lúa chất lượng cao, có thương hiệu. Đồng thời, phải tìm cách số hóa đồng ruộng, thương mại hóa, áp dụng công nghệ cao và tìm cách bán sản phẩm gạo vào thị trường khó tính.

    Mô hình trồng lúa chất lượng cao ở Sóc Trăng - lúa ST25

    Mô hình trồng lúa chất lượng cao ở Sóc Trăng - lúa ST25

    Trong Nghị quyết 120 của Chính phủ, phần cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL đã xác định rất rõ sự chuyển đổi, nếu như trước đây cơ cấu nông nghiệp là lúa gạo - trái cây - thủy sản thì hiện nay vị trí đã chuyển đổi thành thủy sản - trái cây - lúa gạo. Ở đây, theo chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của ĐBSCL, ngành lúa gạo vẫn rất quan trọng có vai trò đặc biệt quan trọng trong vấn đề an ninh lương thực, tức phải tiếp tục đầu tư nhưng có trọng tâm, ưu tiên lúa chất lượng cao và lợi nhuận người dân.

    TS. Trần Hữu Hiệp cũng cho hay, trước đây, phía Ngân hàng Thế giới (World Bank) có nghiên cứu về thách thức và tương lai cho ngành lúa gạo Việt Nam và khuyến nghị giảm diện tích lúa. Và thực tế thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, người dân vùng ĐBSCL đã giảm diện tích lúa để chuyển đổi sang cây trồng và các lĩnh vực khác.

    Nhiều quốc gia trên thế giới đang làm lúa, giảm diện tích lúa ĐBSCL sẽ có nhiều lợi ích

    Mặc dù là doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo nhưng ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) vẫn muốn giảm diện tích lúa ĐBSCL.

     ÔÔng Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV

    Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV cho rằng, rất cần chuyển một phần diện đất lúa không hiệu quả sang sản xuất kinh doanh. Ảnh: NVCC

    Thông tin với phóng viên Dân Việt, ông Thành cho biết, đã có 30 năm kinh doanh lúa gạo và hiểu rằng, người dân trồng lúa không làm giàu được. Hiện nay, trên thế giới như Ấn Độ, Campuchia, Pakistan, Thái Lan cùng một số nước khác đang bắt đầu phát triển cây lúa, kể cả Châu Phi cũng đã làm được lúa. Do đó, nếu giữ diện tích như hiện nay và cạnh tranh về số lượng với quốc gia nói trên thì "chết nữa".

    Ông Thành nhấn mạnh: "Mình đã sai lầm là chạy theo số lượng, mất biết bao nhiêu tiền để nhập hóa chất, phân bón đưa vào đồng ruộng mà hiệu quả kinh tế cho người dân ĐBSCL không được gì, trái lại còn bị báo động về môi trường"

    "Còn nếu các doanh nghiệp muốn giữ thì phải cam kết tăng lợi nhuận cho người dân trồng lúa trong thời gian tới. Đây là yếu tố quan trọng" - ông Thành nói tiếp.

    Theo ông Thành, người dân ĐBSCL làm lúa bao nhiêu năm qua không chịu nổi phải bán đất lúa bỏ đi Bình Dương, Đồng Nai và TP. HCM để tìm việc làm, thấy rõ nhất là những thanh niên trẻ tuổi. Việc di cư như vậy rất thiệt thòi cho người dân về nhiều thứ.

    Vì vậy, theo quan điểm ông Thành, rất cần chuyển một phần diện đất lúa không hiệu quả sang sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương (lực lượng lao động sẵn có). Từ đó, người dân ở lại ĐBSCL không di cư nữa, cây lúa lúc này cũng có lực lượng lao động trẻ tuổi trồng, chăm sóc mới phát triển và có chất lượng cao được, chứ không phải là lao động già như hiện nay.

    TS.Trần Ngọc Thạch - Viện lúa ĐBSCL cho biết, trong điều kiện hiện nay, người dân trồng lúa không thể làm giàu khi diện tích nhỏ lẻ và không liên kết, đặc biệt là ở vùng trồng không được thuận lợi. Trước tác động của biến đổi khí hậu, những vùng đất trồng lúa này nên chuyển đổi 1 số diện tích sang cây trồng, vật nuôi khác. Vấn đề này cũng đã được đề cập trong đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ NNPTNT.

    Theo Huỳnh Xây - báo Dân Việt 

     

     

    CHI NHÁNH GẠO ST25 (GẠO ÔNG CUA) CHÍNH HÃNG DNTN HỒ QUANG TRÍ TẠI TP.HCM

    CÔNG TY CỔ PHẦN LƯƠNG THỰC PHƯƠNG NAM

    (Giao hàng Tận nơi – nhanh chóng – chuyên nghiệp)

    Chia sẻ:
    0
    Zalo
    Hotline