Gạo nào nên thuốc?

Đặt và giao hàng tận nơi: 0909 34 99 88

Gạo nào nên thuốc?
Ngày đăng: 30/07/2020 01:52 PM

    Không chỉ là thị hiếu nếu ở nhiều nước phương Tây ăn cơm, thay vì bánh mì, thay vì khoai tây, đã trở thành “mốt ăn uống” của người sành điệu. Nhờ tỷ lệ hài hòa giữa ba thành phần sinh tố, khoáng tố và chất xơ mà gạo là món ăn lý tưởng vì vừa cung cấp năng lượng cấp thời nhưng không gây béo phì, vừa cung ứng dưỡng chất nhưng không tăng mỡ trong máu. Khéo hơn nữa là nhờ gạo chứa nhiều chất xơ nên người ăn cơm không bị khó tiêu. Lá gan, trái thận nhờ đó bớt mệt sau bữa ăn vì được nghỉ xả hơi thay vì phải làm công việc biến dưỡng cả ngày lẫn đêm với thực khách mạnh miệng với bánh mì.

    Đáng nói là các nhà nghiên cứu phương Tây cũng đã từ lâu cổ động cho việc dùng gạo thiên nhiên, nghĩa là gạo có màu nhờ còn lớp vỏ lụa, thay vì gạo được chà trắng bóng như răng giả!, vì gạo càng trắng, càng bóng càng mất nhiều hoạt chất có công năng chống thoái hóa, chống biến thể ác tính. Bên cạnh tập thể sinh tố C, B1, B2, B3, B5, E và tiền sinh tố A cũng như các khoáng tố sắt, magnê, phosphor, kẽm, vôi, molybdan… cần thiết cho hoạt động tối ưu của hệ miễn nhiễm, hoạt chất anthocyanin mang màu đỏ, màu tím, màu đen trong lớp vỏ lụa chính là lợi thế của hột gạo còn giữ màu của thiên nhiên nhờ tác dụng trung hòa chất oxy-hóa trong môi trường ô nhiễm.

    Sau nhiều công trình nghiên cứu trong thập niên gần đây, hiện không còn ai nghi ngờ về tác dụng bảo vệ vi mạch, chống lão hóa và nhất là ngăn hiện tượng ngẫu biến trong cấu trúc của tế bào, nghĩa là phòng ngừa ung thư, của chất màu anthocyanin. Đó là lý do tại sao nhiều thầy thuốc ở Âu Mỹ đang cổ động cho việc dùng anthocyanin thường xuyên để phòng tránh biến chứng trong bệnh tiểu đường cũng như trong điều trị hậu ung thư.

    Ung thư đã không thể tung hoành ngang dọc đến thế nếu thầy thuốc trong nhiều chục năm qua nhất quán với quan điểm là bệnh có thể dự phòng nếu có cách trung hoà độc tính của chất oxy-hóa trong môi trường ô nhiễm. Nhưng muốn được vậy đâu cần thiết phải đầu độc cơ thể đã mệt nhoài bằng hóa chất tổng hợp trong khi Huyết Rồng, Hắc Trân Châu, nếp Cẩm … đang chờ sẵn ngoài đồng? Không nhất thiết phải ngày nào cũng chén cơm gạo đỏ, gạo tím, gạo mầm vibigaba rồi thèm Nàng Hương, Nanh Chồn… Nhưng chục ngày trong tháng thay gạo trắng bằng gạo màu chính là biện pháp giải độc định kỳ cho cơ thể để qua đó gián tiếp mài nhọn sức đề kháng, chẳng hạn sau bữa tiệc rượu thịt ê hề, trong giai đoạn làm việc căng thẳng, cho người cao tuổi … chính là cách biến cơm thành thuốc.

    Thêm một điểm đáng nói. Khảo sát với 30 bệnh nhân tiểu đường dùng gạo đỏ ST của Kỹ Sư Hồ Quang Cua theo kiểu xen kẽ bữa cơm đỏ bữa cơm trắng cho thấy:
    • Đường huyết ổn định thấy rõ nếu so với người chỉ ăn toàn cơm trắng.
    • Người bệnh có thể ăn đến hai chén cơm mỗi bữa, nghĩa là no bụng, nhưng đường huyết vẫn không tăng nếu so sánh với bữa cơm chỉ với 1 chén cơm trắng.

    Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    0
    Zalo
    Hotline